Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe; hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn, bởi làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau và tử vong. Tuy nhiên, rất nhiều người còn chủ quan với chính sức khỏe của bản thân và gia đình khi vẫn vô tư hút thuốc tại nhiều môi trường khác nhau, bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh.
Anh P.V.N, 45 tuổi, trú tại thành phố Vĩnh Yên mới đây được các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn 3 và nguyên nhân chính là do hút thuốc lá. Theo chia sẻ của anh N thì anh hút thuốc từ khi 25 tuổi cho đến nay.
Trung bình mỗi ngày, anh hút từ 15-17 điếu thuốc, anh N xuất hiện các triệu chứng như ho dai dẳng, đau rát họng đã rất lâu nhưng do chủ quan nên không đi khám bệnh. Đến khi cảm thấy xuất hiện nhiều dấu hiệu nghiêm trọng hơn, anh N mới đi thăm khám bệnh. Từ khi phát hiện bệnh đến nay thì anh N đã ngưng sử dụng thuốc lá hoàn toàn theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên, sức khỏe đã giảm sút nhiều, phổi của anh đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có hơn 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, dự đoán đến năm 2030, nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp, thì ước tính số lượng người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá sẽ tăng đến 70.000 người/năm.
Các tác hại của thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Nguồn ảnh: Internet
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, hàng trăm chất độc và khoảng 70 chất có thể gây ung thư. Thói quen hút thuốc lá có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến phổi.
Nicotine và các chất độc hại khác trong thuốc lá có thể gây ra COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bao gồm cả viêm phế quản và phổi quá phình; là nguyên nhân tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi với 90% các ca tử vong liên quan đến vấn đề này. Nguy cơ này cao gấp 25 lần đối với nam và 25,7 lần đối với nữ. Hút thuốc cũng có thể gây ra ung thư ở nhiều bộ phận khác của cơ thể, bao gồm miệng, họng, thực quản, tụy, thận, tiết niệu…
Các hóa chất trong thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch (sự tích tụ của các mảng bám trong mạch máu) làm hỏng tim, mạch máu và tế bào máu; làm hạn chế lưu lượng máu và có thể dẫn đến tắc nghẽn nguy hiểm. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên (PAD), xảy ra khi các động mạch đến cánh tay và chân bắt đầu thu hẹp, hạn chế lưu lượng máu. Nicotine làm tăng huyết áp và nhịp tim, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Đối với sức khỏe sinh sản, hút thuốc lá có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới, làm giảm lượng tinh trùng, biến đổi hình dạng tinh trùng, rối loạn cương dương. Đối với nữ giới, khi hút thuốc lá có thể khiến việc mang thai khó khăn hơn, thuốc lá còn làm tăng nguy cơ bị sảy thai tự nhiên từ 20-30% so với người không hút thuốc; gây nguy cơ lưu thai hoặc sinh non, gây tổn hại phổi, não và hệ thần kinh trung ương của thai nhi, làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, góp phần gây ra các bất thường bẩm sinh như sứt môi hoặc hở hàm ếch…
Đối với trẻ em, khi hít phải khói thuốc lá thụ động, trẻ sẽ bị ảnh hưởng và mắc các bệnh lý liên quan đến phổi, các bệnh về đường hô hấp, tim, đường ruột, hen phế quản… Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.
Khói thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút thuốc và những người xung quanh họ, mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chi phí kinh tế liên quan đến việc sử dụng thuốc lá cũng rất lớn, bao gồm tiền mua thuốc lá, chi phí khám, điều trị bệnh liên quan đến việc hút thuốc, nhất là điều trị bệnh nan y, ung thư…
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Huyền Linh
Tác hại của việc hút thuốc lá rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, môi trường xung quanh và kinh tế. Vì vậy, để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống, việc tăng các chế tài xử phạt, nâng cao ý thức của người hút thuốc lá là những vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong nỗ lực đẩy lùi các căn bệnh liên quan đến thuốc lá trong xã hội hiện đại ngày nay.
Huyền Linh