Xã hội càng phát triển, vấn đề xử lý rác thải ngày càng trở thành bài toán khó giải với mọi quốc gia trên thế giới. Không ngoại lệ, việc xử lý rác thải để bảo vệ môi trường luôn được Việt Nam nói chung, chính quyền các địa phương trên cả nước nói riêng ưu tiên đưa lên hàng đầu trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm. Tuy nhiên, việc ưu tiên về cơ chế, chính sách không hẳn đồng nghĩa với đạt được mục đích đề ra đôi khi chỉ vì những lý do khó ngờ.
Ví như tại Vĩnh Phúc, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách rất cụ thể về việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh sẵn sàng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp này một phần kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc cũng như sinh hóa phẩm xử lý rác thải…
Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế.
Nhờ vậy, thời gian qua có không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn trong lĩnh vực xử lý rác thải. Thậm chí, cơ hội biến các dự án trở thành hiện thực dường như ngày càng rộng mở khi tuyệt đại đa số người dân đều mong chờ các nhà máy xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại sớm mọc lên để đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một cấp thiết.
Oái oăm thay, với rất nhiều dự án, sau khi vượt qua được mọi quy trình thẩm định ngặt nghèo nhất về năng lực của chủ đầu tư cũng như khả năng vận hành, xử lý rác thải đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ môi trường bền vững… đều không chọn được địa điểm xây dựng nhà máy.
Lý do rất đơn giản, dù tuyệt đại đa số người dân đều nhất trí cao về việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nhưng điều kiện kèm theo luôn phải là đặt địa điểm ở một nơi bất kỳ nào đó khác, miễn không phải quanh khu vực mình sinh sống.
Thực tế cho thấy, có những chủ đầu tư đã đổ rất nhiều tâm huyết và tiền của vào dự án với mong muốn nâng cao chất lượng sống của người dân thông qua việc bảo vệ môi trường bền vững nhưng thiện ý này luôn bị khước từ một cách phũ phàng.
Nhiều chủ đầu tư sẵn lòng giải trình với người dân về bất cứ thắc mắc nào liên quan đến quá trình vận hành của nhà máy và chấp nhận đền bù mọi tổn hại nếu để xảy ra các tình huống phát sinh không đúng như cam kết.
Một số chủ đầu tư khác còn mời cả các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý rác thải, bảo vệ một trường trên thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường về phân tích, động viên bà con, nhưng tất cả hồi đáp chỉ là những cái lắc đầu kiên quyết.
Hầu hết những người dân này đều cho rằng chưa biết nhà máy xử lý rác thải làm tốt việc bảo vệ môi trường đến đâu, nhưng nếu xây dựng nhà máy tại chỗ thì kiểu gì cũng sẽ làm bụi bẩn không gian trong quá trình vận chuyển và làm ô nhiễm nguồn nước cũng như không khí trong quá trình xử lý rác!?
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra gần 1.000 tấn rác; tỷ lệ thu gom rác thải ở thành thị đạt trên 95%, tần suất 1 lần/ngày; ở khu vực nông thôn đạt 75%, tần suất trung bình 3 ngày/lần.
Nhìn chung, mạng lưới thu gom rác thải đã bao phủ đến hầu hết khu trung tâm hành chính và các khu dân cư tập trung của các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, phương pháp xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp thông thường và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư.
Hầu hết các bãi chôn lấp, cơ sở xử lý rác đang hoạt động chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường và việc triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra do hầu hết chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ về địa điểm đặt nhà máy của nhân dân ở vùng dự án.
Như vậy, với đà này, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây nên tại tỉnh ta có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng nếu không sớm có các giải pháp xử lý quyết liệt, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng các nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn, đảm bảo quy chuẩn đề ra.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc đả thông tư tưởng của nhân dân về vấn đề đặt địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải là quan trọng nhất nhưng thực tế cho thấy đến nay cách làm này chưa thực sự hiệu quả bởi cả lý do khách quan và chủ quan. Trong đó, chủ quan là cần xem lại phương pháp tuyên truyền đã đúng và trúng chưa? Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nhà đầu tư đã thực sự đứng về phía nhân dân khi xử lý các vấn đề phát sinh nếu có?
Nếu không làm tốt được nhiệm vụ này, có thể chuyển sang phương án 2 là nâng cấp, mở rộng các nhà máy, cơ sở xử lý rác thải có sẵn để tăng công suất xử lý.
Ngoài ra, có thể tính đến phương án đặt địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác ở xa khu dân cư, trong rừng sâu núi thẳm. Cách này có thể gây tốn kém cho cả Nhà nước và doanh nghiệp bởi khó khăn về khoảng cách vận chuyển, lại có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình xây dựng nhà máy (ví như làm biến dạng đất rừng).
Nhưng cách gì thì cách, nếu không làm sớm, làm cương quyết thì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng sẽ sớm đến và hậu quả sẽ rất khó lường.
Bài, ảnh: Quang Nam