Theo phản ánh của một số hộ dân ở khu 8, thị trấn Tứ Trưng, tại địa phương có xưởng sản xuất đồ gỗ của ông Đặng Văn Minh gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù người dân đã nhiều lần có ý kiến với chủ cơ sở, làm đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương nhưng vụ việc kéo dài chưa được giải quyết triệt để. Mới đây, chính quyền sở tại cũng như cơ quan chuyên môn tiếp tục vào cuộc xác minh, làm rõ để có căn cứ kết luận cơ sở sản xuất mộc này có đủ điều kiện hoạt động hay không từ đó có hướng xử lý dứt điểm.
Cụ thể, theo phản ánh của các hộ gia đình ông, bà Tạ Thị Năm, Đường Văn Khiêm, Đào Thị Liễu khu 8, xưởng sản xuất của gia đình ông Đặng Văn Minh hoạt động từ tháng 5/2022 đến nay.
Cơ sở nằm giữa khu dân cư, giáp ranh với nhiều hộ gia đình nên đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất đồ gỗ ở đây.
Mỗi khi các loại máy móc, thiết bị hoạt động, cả khu vực phát sinh mùi sơn nồng nặc rất khó chịu; tiếng ồn của máy móc, thiết bị; bụi mịn bay lơ lửng trong không khí gây khó thở, tức ngực.
Trong khi xung quanh các gia đình đều có người già, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi… nên người dân rất lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân trong gia đình.
Một góc cơ sở sản xuất mộc của hộ gia đình ông Đặng Văn Minh.
Nhiều lần, các hộ gia đình ở khu 8 đã góp ý, trao đổi trực tiếp với ông Minh - chủ cơ sở. Đồng thời, có đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương từ cuối năm 2022, nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Sự việc kéo dài đến nay gây bức xúc trong nhân dân. Đến tháng 6/2023, các hộ gia đình trên tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện Vĩnh Tường, Phòng TN&MT huyện... đề nghị chính quyền địa phương cấp trên, cơ quan chuyên môn vào cuộc giải quyết.
Để hạn chế bụi gỗ phát tán ra môi trường, người dân phải lấy rẻ nhét vào các khe hở trên tường của gia đình.
Có mặt tại gia đình bà Đường Thị Sáu, khu 8, thị trấn Tứ Trưng, chúng tôi nhận thấy người dân rất bức xúc khi vụ việc xảy ra đã lâu, nhiều lần có đơn cầu cứu, kiến nghị gửi các cấp, nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý thỏa đáng.
Trong lúc đứng tác nghiệp và trao đổi với người dân, chúng tôi ghi nhận tiếng máy, thiết bị của cơ sở mộc rền vang. Để hạn chế bụi mịn phát tán ra môi trường, các hộ gia đình xung quanh đã lấy rẻ nhét vào các khe, kẽ tường, cửa sổ nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào.
Bí thư Chi bộ khu 8 Đỗ Văn Huyên cho biết: “Ý kiến của người dân là có cơ sở, bởi mỗi khi xưởng sản xuất hoạt động là trong khu vực có mùi sơn, tiếng ồn. Người dân có đơn đề nghị giải quyết đã lâu nhưng chưa có kết quả. Do đó, tôi mong muốn địa phương và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, có kết luận và phương án giải quyết dứt điểm”.
Được biết, UBND thị trấn Tứ Trưng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiến hành xác minh, kiểm tra điều kiện đảm bảo sản xuất mộc của hộ gia đình ông Đặng Văn Minh; yêu cầu chủ cơ sở gia cố lại hệ thống cửa để giảm thiểu mùi sơn, bụi gỗ và tiến hành hòa giải giữa các bên nhưng không thành.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng thiết bị đo tiếng ồn phát ra từ cơ sở sản xuất mộc.
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Trưng Đỗ Xuân Quang cho biết: “Để có hướng giải quyết, xử lý vụ việc, địa phương đã mời cán bộ Thanh tra huyện, Phòng TN&MT huyện xuống kiểm tra, xác minh thực địa. Qua ý kiến chỉ đạo, tham mưu của cấp trên và cơ quan chuyên môn, chúng tôi tiếp tục mời cán bộ Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường về thẩm định, lấy mẫu không khí, đo tiếng ồn... để phân tích, giám định. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ có căn cứ để ban hành kết luận, hướng xử lý, giải quyết”.
Vừa qua, UBND thị trấn Tứ Trưng tiếp tục có buổi làm việc giữa các hộ gia đình có đơn kiến nghị, chủ cơ sở sản xuất mộc là hộ ông Đặng Văn Minh và cán bộ Trung tâm Quan trắc để thống nhất việc lấy mẫu giám định. Ban đầu, người dân không đồng thuận và cho rằng, tại thời điểm lấy mẫu, cơ sở sản xuất mộc hoạt động cầm chừng (do được thông báo về việc lấy mẫu) nên e ngại kết quả giám định không đúng với thực tế.
Sau khi bàn bạc, thống nhất, người dân đồng ý để cơ quan chuyên môn lấy mẫu với điều kiện phải có thêm một số lần lấy mẫu khác, theo hình thức đột xuất, không thông báo cho chủ cơ sở sản xuất để đảm bảo sự khách quan trong đo đạc, đánh giá mức độ ô nhiễm thực tế.
Có thể thấy, ý kiến phản ánh của các hộ dân ở khu 8, thị trấn Tứ Trưng là có cơ sở. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cần xác minh, đo đạc khách quan. Đồng thời, các hộ dân cũng phải tích cực hợp tác với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trên tinh thần xây dựng để có giải pháp, hướng xử lý phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Hà Trần