Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) thông qua việc triển khai nhiều đề án, chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả, góp phần từng bước thúc đẩy hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và phát huy thế mạnh của địa phương.Ảnh: Nguyễn Lượng
Toàn tỉnh hiện có 34 tổ chức KH&CN; 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chế biến thực phẩm; 6 doanh nghiệp FDI được Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao như Công ty TNHH Partron Vina, Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, Công ty TNHH Arcadyan Technology…
Các doanh nghiệp này đều đang hoạt động hiệu quả, có doanh thu tốt và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Thời gian qua, hoạt động phát triển KH&CN được tỉnh quan tâm thực hiện thông qua việc ban hành các kế hoạch, nghị quyết, văn bản thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chính sách hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh hoạt động, đầu tư và đổi mới công nghệ thông qua Quỹ phát triển KH&CN với tổng nguồn vốn 150 tỷ đồng.
Thông qua quỹ, các dự án được vay vốn góp phần gia tăng tiềm lực KH&CN cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ cải tiến, đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Nhờ đó, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp khu vực này trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua đạt mức 9,05%/năm; giá trị do tiến bộ KH&CN tăng 4,75%/năm; môi trường làm việc được cải thiện.
Là một trong những tổ chức KH&CN trực thuộc Sở KH&CN, năm 2023, Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo đã triển khai 2 dự án sản xuất mở rộng trên địa bàn tỉnh gồm Dự án sản xuất chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma.sp và dự án sản xuất mở rộng giống nho hạ đen.
Qua đánh giá bước đầu các kết quả nghiên cứu cho thấy, dòng chế phẩm Trichoderma.sp có hoạt tính phòng trừ bệnh cho cây trồng cao, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ của người dân.
Đặc biệt, dự án sản xuất mở rộng diện tích nho hạ đen được triển khai trên 5ha thuộc 3 huyện Sông Lô, Tam Đảo và Bình Xuyên sau 2 năm thực hiện đã cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt năng suất 10 tấn/ha.
Chu kỳ sinh trưởng của cây nho hạ đen lên đến 10 năm và cho thu hoạch 2 vụ/năm; với giá bán khoảng 150 nghìn đồng/kg nho, trừ chi phí, người trồng có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Từ đó, góp phần từng bước nhân rộng các mô hình giống cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất Vĩnh Phúc.
Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) cho biết: Năm 2024, trung tâm tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ KH&CN như ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất cây giống su su sạch bệnh; sản xuất chế phẩm sinh học ứng dụng trong chăn nuôi Probio Livest - VP01 từ chủng giống gốc (Probio Livest-1).
Hoàn thiện quy trình sản xuất và chế biến cây dược liệu giảo cổ lam 5 lá và cà gai leo ứng dụng công nghệ nano; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chế biến sản phẩm hỗ trợ sức khỏe được tổng hợp từ các loại dược liệu quý như đương quy, tam thất, linh chi, đông trùng hạ thảo; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nấm lim xanh.
Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tạo ra dòng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, từng bước tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và phát huy thế mạnh của địa phương.
Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và ngành KH&CN, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ. Phát triển các tổ chức KH&CN gắn với nguồn nhân lực có trình độ và năng lực; khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt chủ trương coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện các văn bản, thủ tục thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có từ 3 - 4 tổ chức KH&CN được xếp hạng quốc gia và khu vực; phát triển thêm 10 doanh nghiệp KH&CN; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%/tổng số doanh nghiệp.
Gia tăng mạnh mẽ số lượng công bố quốc tế về sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại trên tổng số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ so với hiện nay và tăng dần đều trong giai đoạn từ 2030 - 2045.
Ngọc Lan