Tháng 1/2015, cơ sở điều trị Methadone đầu tiên trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động. Sau hơn 8 năm, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được bao phủ toàn tỉnh, qua đó, giúp người nghiện ma túy được tiếp cận với phương pháp điều trị có chi phí thấp, từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời.
Bệnh nhân đến uống thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện Tam Dương.
Khoảng 2 tháng nay, ngày nào cũng vậy, cứ 7h sáng, anh N.T.T, sinh năm 1988, ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch lại có mặt tại Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện Tam Dương để uống thuốc.
Trước đây, anh T chưa từng nghĩ một ngày nào đó anh có thể làm lại cuộc đời, có cuộc sống hạnh phúc bên vợ con. Anh T là con út của gia đình có 6 anh chị em, khi còn trẻ, anh đi làm xa gia đình, bị bạn bè rủ rê nên đã nghiện ma túy. Đến năm 2012, anh trở về quê lấy vợ và đã thử cai nghiện nhiều lần nhưng chỉ ít lâu sau lại tái nghiện. Nhìn 4 đứa con nheo nhóc và người mẹ già yếu ớt, đã có lúc anh từng nghĩ đến cái chết vì không thể thoát khỏi cơn nghiện.
Mới đây, nhờ sự vận động của bạn bè và gia đình, anh đã đăng ký tham gia điều trị nghiện bằng Methadone.
Anh T cho biết: “Nhờ uống thuốc đã giúp tôi từ bỏ được ma túy. Từ ngày uống Methadone tôi không còn vật vã vì những cơn thèm ma túy, chế độ sinh hoạt điều độ, ăn được, ngủ được, sức khỏe tốt lên. Từ chỗ có bao nhiêu tiền bạc tôi đều nướng vào ma túy, thì giờ tôi đã có trong tay một đàn vịt hơn 300 con và là một thợ cơ khí lành nghề, có thu nhập để lo cho mẹ, vợ và 4 đứa con.
Trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó tôi lại có thể quay trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác. Mẹ, vợ và các con nhìn thấy tôi thay đổi tốt lên từng ngày, họ rất vui. Thấy rõ sự thay đổi của bản thân, tôi đã giới thiệu 2 người cùng đi uống Methadone để cai nghiện ma túy”.
Cũng là người nghiện ma túy nặng, ông K.V.H, 68 tuổi, ở xã Tân Lập, huyện Sông Lô chia sẻ: "Năm 1991, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ và con thường xuyên ốm đau, tôi phải xa gia đình để lên tỉnh Cao Bằng đãi vàng thuê. Do công việc vất vả, nguy hiểm nên các thợ đãi vàng đều coi ma túy là thần dược để có sức khỏe làm việc. Đi làm thuê được 2 năm, nhận thấy sức khỏe sa sút trầm trọng, tôi về quê và xin làm thợ lái máy xúc nhưng bao nhiêu tiền kiếm được đều đổ hết vào ma túy.
Sau hơn 30 năm nghiện ma túy, đầu năm 2023, khi biết đến chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, tôi đã tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và đăng ký sử dụng. Không ngờ, Methadone lại giúp tôi đoạn tuyệt được ma túy. Từ ngày uống Methadone, sức khỏe của tôi ổn định, có thể lao động, làm việc mà không thấy mệt mỏi, tôi không có cảm giác thèm ma túy nữa. Mỗi sáng, tôi đến uống thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện Tam Dương rồi quay về làm việc bình thường”.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều người sau khi điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được “hồi sinh”. Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua hơn 8 năm triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, đến nay, toàn tỉnh có gần 800 bệnh nhân đang tham gia điều trị tại 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Kể từ khi cơ sở điều trị đầu tiên đi vào hoạt động, đến nay, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã bao phủ toàn tỉnh, mang lại hiệu quả tích cực đối với người nghiện ma túy, giúp nhiều người nghiện không còn phải đi xa để uống thuốc, giảm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại.
Đa phần các bệnh nhân đều tuân thủ quy trình điều trị; 70 - 80% người nghiện sau khi tham gia điều trị đã cải thiện về sức khỏe, tâm lý ổn định, một số bệnh nhân đã đi học nghề, có việc làm, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, trở thành người có ích.
Để tạo thuận lợi cho bệnh nhân, từ nhiều năm nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều trị Methadone”. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ được cấp một mã nhận diện (ID) để quản lý toàn bộ quá trình điều trị.
Khi bệnh nhân có công việc cần di chuyển trong tỉnh mà không thể uống thuốc tại địa điểm đã đăng ký thì sẽ được chuyển gửi đến điểm uống thuốc mà bệnh nhân đang có mặt và chỉ cần xuất trình thẻ có mã nhận diện (ID) là có thể đăng ký thời gian uống thuốc mà không cần phải nộp lại hồ sơ, giấy tờ. Qua đó, giúp việc điều trị của bệnh nhân không bị gián đoạn, không bị lệ thuộc vào ma túy, trở về với cuộc sống bình thường.
Bài, ảnh: Minh Nguyệt