Bắt nhịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trang trại ứng dụng công nghệ 4.0 chăn nuôi gà đẻ của gia đình anhBùi Văn Bình, xã Thanh Vân (Tam Dương) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng
Dù đã được lãnh đạo xã Phú Đa (Vĩnh Tường) giới thiệu từ trước, nhưng khi đến trang trại chăn nuôi gà của anh Lê Văn Đại chúng tôi vẫn bất ngờ, cảm giác nơi đây giống một khuôn viên cây xanh hơn là một gia trang chăn nuôi.
Xung quanh khu vực chăn nuôi là một không gian trong lành và yên tĩnh với nhiều cây xanh, cây ăn quả đan xen vươn cao góp phần xanh hóa và cải tạo môi trường; không khí cũng chẳng đậm đặc mùi chất thải như ở những trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn từng được biết đến.
Theo anh Đại, “khí hậu” trong chuồng nuôi được vận hành bằng cảm ứng nhiệt thông qua dàn điều hòa làm mát duy trì nhiệt độ chuồng gà khoảng 27 - 30 độ C - đây là điều kiện lý tưởng để đàn gà phát triển tối ưu nhất, cho sản lượng trứng cao.
Hệ thống cho gà ăn, nước uống phần lớn tự động, đảm bảo gà được ăn đúng giờ, đủ lượng thức ăn, tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa thức ăn; đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý bằng công nghệ sinh học.
Các thông số chăn nuôi tại chuồng trại đều được mã hoá, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh. Vì vậy, ở bất kỳ đâu, thời gian nào, tôi cũng nắm bắt tình hình chăn nuôi và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Anh Đại cho biết thêm: "Trước đây, diện tích gần 4 ha trang trại chăn nuôi hiện nay là vùng trũng cấy 1 vụ lúa không ăn chắc. Năm 2020, thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng của địa phương, gia đình đã quy về một thửa và thuê ruộng của người dân xung quanh đầu tư 4 dãy chuồng trại chăn nuôi gà theo mô hình chuồng gà lạnh và khu nhà ở cho công nhân.
Để chuồng gà được thông thoáng, gia đình đã gắn bộ điều khiển nhiệt độ tự động trong chuồng nuôi, để tắt mở quạt hút và máy bơm nước giàn lạnh. Nhờ đó, chuồng trại luôn sạch thoáng, giúp ngăn chặn vi khuẩn và dịch bệnh. Với 80 nghìn gà đẻ, mỗi ngày cho sản lượng trứng 70 nghìn quả trứng, đạt tỷ lệ gần 90% gà đẻ.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Lê Văn Đại là 1 trong nhiều mô hình trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tư duy cách làm nông nghiệp để bắt nhịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0 và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để nông nghiệp Vĩnh Phúc cất cánh, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ người nông dân được tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tăng cường kết nối với thị trường thông qua các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trang thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 18 mô hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao; 8 vùng sản xuất rau an toàn thuộc Dự án QSEAP; có 23 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; 25 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Riêng giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Qua đó đưa tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng 3%/năm, vượt mục tiêu đề ra từ 1,5 - 2,0%/năm.
Riêng 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phấn đấu đến năm 2045, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục xây dựng các chương trình ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp tuần hoàn phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số; phát triển khuyến nông điện tử, thương mại nông sản điện tử; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương; hình thành liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Mai Liên