Kỳ 1: Khát vọng làm giàu trên đất quê hương
Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung trọng tâm và mục tiêu chính của Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương và có tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa-xã hội, tạo sự thay đổi đồng bộ, toàn diện ở các LVHKM.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế
Trên cơ sở Nghị quyết số 19, ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, HĐND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 08, ngày 5/5/2023 thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030 và Nghị quyết số 06, ngày 5/5/2023 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030.
Mô hình trồng ớt được hỗ trợ triển khai tại LVHKM Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Trà Hương
Trong tổng số 14 tiêu chí và 16 chính sách hỗ trợ xây dựng LVHKM, Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 06 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế hỗ trợ nhằm gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội tại các LVHKM; khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các điểm nhấn riêng trong phát triển kinh tế tại LVHKM.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đều có tiêu chí rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chi hỗ trợ đúng, đủ và hiệu quả. Bám sát các tiêu chí và chính sách hỗ trợ được ban hành theo Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã sớm bắt tay vào cuộc, kịp thời triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Quân cho biết: “Để phát triển các mô hình sản xuất mang tính đặc trưng, tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm tại chỗ và sinh kế bền vững, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương được chọn thí điểm xây dựng LVHKM đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của tỉnh về xây dựng LVHKM gắn với các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.
Đồng thời tiến hành rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 48 mô hình sản xuất nông nghiệp ở 20 LVHKM thuộc 8 huyện, thành phố. Sở NN&PTNT đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai xây dựng 6 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp đặc trưng tại 3 LVHKM gồm Man Để, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc; Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch; Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch.
Phối hợp với các địa phương xây dựng LVHKM lựa chọn 3 mô hình điểm thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình vườn sản xuất theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh gồm mô hình trồng hoa, cây cảnh tại thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô; mô hình trồng cây dược liệu - cây đinh lăng tại thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và mô hình trồng cây ăn quả - cây bưởi tại thôn Thụ Ích 3, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc”.
Huy động sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xây dựng LVHKM tại Vĩnh Phúc bước đầu đã huy động được sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân về kỹ thuật sản xuất, liên kết tiêu thụ, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam, với quan điểm luôn đồng hành, sẵn sàng chung tay, góp sức vì sự phát triển của Vĩnh Phúc, Tập đoàn Quế Lâm đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các LVHKM.
Từ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tại LVHKM, gia đình chị Dương Thị Yến, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo phát triển mô hình trồng cây dược liệu trà hoa vàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm Khắc Ngọc Bá cho biết: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn. Không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn tạo ra sản phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe cho người dân; giúp môi trường sống tại các làng quê trong lành hơn nhờ hạn chế được việc dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được chất thải từ sản xuất nông nghiệp. Cũng từ đó, chúng ta không chỉ làm nông nghiệp đơn thuần mà có thể gắn kết với phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, phát triển thương mại, dịch vụ để giúp nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với những định hướng đó, đến nay, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh như mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tại thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch; mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới tại làng Man Để, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc; mô hình trồng cây dược liệu tại thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo…
Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ bà con toàn diện từ khâu tổ chức, kỹ thuật sản xuất đến quảng bá thương hiệu, bao tiêu sản phẩm”.
Hưởng ứng chủ trương của tỉnh về việc huy động sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người dân các LVHKM phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) đã phối hợp để xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi ong lấy mật tại một số địa phương xây dựng LVHKM.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ong Tam Đảo Lê Thị Nga cho biết: “Honeco đang phối hợp với một số địa phương xây dựng LVHKM của huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch để nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Ở những địa phương này, công ty đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho người dân, tặng các đàn ong giống cho một số hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời hướng dẫn bà con về các tiêu chuẩn chất lượng mật ong, giúp bà con hiểu quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho công ty và cho thị trường. Các sản phẩm của người dân đều được công ty cam kết bao tiêu với giá cao hơn so với giá đang thu mua ngoài thị trường.
Thời gian tới, công ty sẽ hướng dẫn bà con trồng thêm một số thảo dược, các nguyên liệu có thể kết hợp với mật ong để gia tăng giá trị sản phẩm, hình thành các sản phẩm mang tính đặc trưng, tiêu biểu của địa phương; nhân rộng mô hình tại một số LVHKM có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc nuôi ong. Đồng thời, phối hợp với một số công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm kết hợp với nghề nuôi ong và bản sắc văn hóa đặc trưng của các địa phương”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tại LVHKM đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các LVHKM phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã cùng vào cuộc, cam kết đồng hành, hỗ trợ người dân các LVHKM xây dựng mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tại hội nghị “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng LVHKM” diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, lãnh đạo 9 huyện, thành phố cùng 18 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký biên bản hợp tác, tiêu thụ sản phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, dịch vụ, thương mại tại các LVHKM.
Lê Mơ - Hoàng Sơn