Với những lợi ích nhiều mặt, công nghệ sinh học (CNSH) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện địa hóa (CNH - HĐH).
Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ vi sinh, nấm lim xanh hiện nay có thể được trồng một cách dễ dàng trong lán trại. Ảnh chụp tại mô hình trồng nấm lim xanh của gia đình bà Trần Thị Sáu, xã Thanh Trù (Vĩnh Yên).
Được Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo chuyển giao quy trình kỹ thuật trong sản xuất nấm lim xanh, cuối năm 2022, gia đình bà Trần Thị Sáu xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm lim xanh trong lán trại quy mô 1.000 bịch nấm.
Với ưu điểm cho thu hoạch sau từ 2 - 3 tháng kể từ khi tạo phôi, thu hoạch 3 lứa trong vòng 1 vụ (7 - 8 tháng) và trong giai đoạn trồng thử nghiệm, bà Sáu đã thu được 50kg nấm lim xanh, thu về 25 triệu đồng ngay vụ đầu tiên.
Sau thành công đó, đầu tháng 10/2023, bà Sáu tiếp tục triển khai mô hình với quy mô 3.000 bịch nấm lim xanh. Nhìn những dãy nấm được xếp ngay ngắn, gọn gàng, bà Sáu tự tin cho biết: “Không chỉ chất lượng nấm lim xanh sẽ tốt hơn mà năng suất vụ này sẽ tăng gấp nhiều lần so với vụ trước, dự kiến đạt từ 3 - 5 tạ nấm khô”. Với mức giá bình quân 500 nghìn đồng/kg, bà Sáu sẽ thu được 150 - 250 triệu đồng/vụ từ bán nấm lim xanh.
Là loại cây dược liệu quý, thường được thu hái từ tự nhiên, song nhờ hỗ trợ của khoa học công nghệ vi sinh, hiện nấm linh xanh được trồng một cách dễ dàng. Bà Sáu chia sẻ: “Khác với các loại nấm khác, trồng nấm lim xanh trên giá thể mùn cưa không cần phải đầu tư quá nhiều, cũng không tốn nhiều công chăm sóc. Quan trọng nhất là đảm bảo độ ẩm thích hợp để nấm sinh trưởng phát triển tốt. Do đó, mô hình trồng nấm lim xanh rất phù hợp với những lao động nhàn rỗi, có tuổi như tôi”.
Đặc biệt, ngoài giá trị về mặt kinh tế, việc trồng nấm lim xanh trên giá thể mùn cưa còn thúc đẩy tái sử dụng các phế phụ phẩm của nông nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ứng dụng của CNSH trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, với sự hỗ trợ của CNSH, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã không còn phụ thuộc nhiều vào sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Việc ứng dụng CNSH thời gian qua đã tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng.
Được sự chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo, anh Nguyễn Xuân Huỳnh, xã Tam Quan (Tam Đảo) đã đầu tư trồng gần 3 nghìn bịch nấm lim xanh dưới tán rừng lim.
Các chế phẩm sinh học, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học cũng được sử dụng ngày càng rộng rãi mang lại những lợi ích toàn diện như tăng khả năng hấp thụ, phát triển, chống dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống; giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, thuận tự nhiên.
Tại Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã xác định “Phát triển CNSH phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao” là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện.
Theo đó, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp như làm chủ công nghệ nhân giống vô tính đối với sản phẩm nông nghiệp quy mô công nghiệp; ứng dụng nghiên cứu CNSH tạo ra các chế phẩm sinh học thế hệ mới trong nông nghiệp và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản; chuyển giao và nhân rộng trong sản xuất CNSH các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh; ứng dụng CNSH sản xuất phân bón vi sinh, chế phẩm cải tạo đất, chế phẩm bảo vệ thực vật, và chế phẩm kích thích sinh trưởng có nguồn gốc thực vật...
Theo đó, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong công nghiệp chế biến; ứng dụng và phát triển công nghệ tạo chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực.
Qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh; từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có nền sản xuất, ứng dụng CNSH phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Hường