Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, thay đổi cách thức vận hành của nhiều ngành, nghề, các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đặt ra nhiều thách thức cho người lao động (NLĐ); trong đó, có yêu cầu nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng, sẵn sàng thay đổi và thích nghi để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ
Thực hiện chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều thay đổi trong phương thức làm việc thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Tam Dương chủ động, tích cực nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sử dụng các ứng dụng, phần mềm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đến nay, ngày càng có nhiều sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các ứng dụng phục vụ chuyên môn nghiệp vụ thay cho các hình thức quản lý, vận hành truyền thống; nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số vào nhiều khâu trong sản xuất, kinh doanh, tiên phong ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới.
Để nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng cho NLĐ, đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số nói chung và bước đầu thực hiện những ứng dụng, công nghệ mới nói riêng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chú trọng, tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho NLĐ về nhiều lĩnh vực như các nền tảng, công cụ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; những thành phần chính của chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, kết nối, khai thác hạ tầng dữ liệu quốc gia; những kỹ năng cần thiết, nghề nghiệp mới trong tương lai; tìm hiểu về năng lực công dân số…
Bên cạnh đó, NLĐ cũng đã chủ động tự trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực của bản thân, sẵn sàng thay đổi và thích nghi, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Tam Dương là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh được thử nghiệm ứng dụng giải pháp truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ số 4.0. Thay vì truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây) FM như trước đây, đài truyền thanh thông minh thế hệ mới sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng internet, sóng 3G/4G với nhiều ưu điểm nổi trội so với truyền thanh hữu tuyến và FM. Đây chỉ là một trong những công nghệ, ứng dụng số mà Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao (VH-TT-TT) huyện Tam Dương đã triển khai trong những năm gần đây.
Để triển khai thực hiện truyền thanh thông minh nói riêng và ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật số mới trong phát thanh, truyền hình nói chung, các cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin, phóng viên, kỹ thuật viên của trung tâm luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức; đồng thời, tự tìm tòi, nghiên cứu những thông tin, kiến thức liên quan.
Đồng chí Lê Tuấn Long, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tam Dương cho biết: “Cùng với việc vận hành hệ thống truyền thanh thông minh, hiện nhiều khâu trong nghiệp vụ phát thanh, văn hóa cũng đã được chuyển sang thực hiện trên môi trường số, sử dụng các ứng dụng, phần mềm để quản lý, vận hành.
Để đảm bảo yêu cầu công việc, tôi và các đồng nghiệp đã chủ động tiếp cận những kiến thức, kỹ năng trong việc vận hành, sử dụng các công nghệ, kỹ thuật mới thông qua nhiều hình thức như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của các cơ quan chuyên môn; nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành; tìm hiểu thông tin trên mạng internet; học hỏi, tham khảo đồng nghiệp các cơ quan bạn…”.
Tự học, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp
Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đội ngũ công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng chủ động, tích cực tự học, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Ông Đặng Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban đối ngoại Prime Group cho biết: “Cùng với việc chủ động, nghiêm túc tham gia các lớp đào tạo của tập đoàn, NLĐ của Prime Group luôn tích cực tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ. Phong trào tự học, rèn luyện luôn diễn ra sôi nổi trong tất cả các công ty thành viên của tập đoàn.
NLĐ tại các vị trí, bộ phận trong các phân xưởng sản xuất luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu để cải tiến quy trình, kỹ thuật sản xuất. Từ đó, đưa ra hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, NLĐ trong tập đoàn đã có hơn 868 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhiều NLĐ cũng đầu tư thời gian, công sức để học lên trình độ cao đẳng, đại học. Trong đội ngũ nhân viên, NLĐ của tập đoàn, 100% NLĐ từ cấp bậc quản đốc trở lên đều có trình độ đại học”.
Anh Đỗ Quốc Hùng, Trưởng Phòng Công nghệ, Công ty cổ phần Prime Ngói Việt cho biết: “Để nâng cao trình độ, chuyên môn, sau một thời gian làm việc tại Phòng Công nghệ của công ty, tôi có nguyện vọng học liên thông lên đại học chuyên ngành Công nghệ hóa học và đã được công ty tạo điều kiện về thời gian, bố trí, sắp xếp lịch làm việc để có thể vừa làm vừa học.
Sau khi tốt nghiệp, tôi thấy những kiến thức, kỹ năng được đào tạo ở bậc đại học giúp ích rất nhiều trong công việc chuyên môn, đặc biệt là những công nghệ, kỹ thuật mới tôi đều tiếp cận nhanh và dễ dàng hơn nhiều do đã được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng”.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, NLĐ trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi tư duy, nhận thức, tích cực nâng cao trình độ, khả năng để thay đổi trong công việc và thích nghi, hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bài, ảnh: Thùy Linh