Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ về thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý người nước ngoài đến cư trú, hoạt động nhằm đấu tranh ngăn chặn không để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 2.000 nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật... người nước ngoài hoạt động thường xuyên ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, còn khoảng gần 1.000 người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác.
Qua công tác quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài trong những năm qua cho thấy, người nước ngoài trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú liên quan đến người nước ngoài vẫn còn xảy ra.
Còn tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, vi phạm quy định pháp luật về lao động, vi phạm hành chính liên quan xuất cảnh, nhập cảnh, bảo lãnh người nước ngoài.

Công an thành phố Vĩnh Yên thường xuyên nắm tình hình người nước ngoài cư trú trên địa bàn
Một số doanh nghiệp có thông tin đăng ký hoạt động kinh doanh với chủ sở hữu là người Việt Nam nhưng người đại diện theo pháp luật và người điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp lại là người nước ngoài, có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Đây là các trường hợp tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến an ninh quốc gia.
Những năm qua, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài làm việc, đầu tư trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và các hoạt động liên quan an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của người nước ngoài, nhất là hoạt động của các cơ quan đặc biệt nước ngoài thông qua danh nghĩa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động để thu thập tình báo, cài cắm nội gián, tác động thể chế, chính sách, pháp luật, xâm hại an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.
Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để quản lý hoạt động, cư trú của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong mọi lĩnh vực, từ lao động, thương nhân, giáo viên, chuyên gia, các tổ chức phi chính phủ…
Hướng dẫn các cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài; triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản thực hiện hiệu quả công tác nắm hộ, nắm người, quản lý đối tượng nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của người nước ngoài, nhất là các trường hợp người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nghiêm túc công tác nắm tình hình các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nhằm phát hiện, xử lý kịp thời người nước ngoài lưu trú, hành nghề bất hợp pháp tại các cơ sở.
Đồng thời, làm tốt công tác quản lý người nước ngoài đến địa bàn tỉnh dự hội nghị, hội thảo, viện trợ, từ thiện; người nước ngoài làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế; phóng viên báo chí nước ngoài đến địa bàn tỉnh hoạt động; nhất là chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của người nước ngoài tại các cơ sở tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kịp thời phát hiện, tham mưu chính quyền các cấp xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật.

Người nước ngoài vi phạm pháp luật bị lực lượng công an bắt giữ
Bên cạnh đó, nắm tình hình các địa bàn có nhiều công dân thường xuyên qua lại biên giới, buôn bán đường biên, số công dân Vĩnh Phúc học tập, công tác, lao động, thăm thân, khám, chữa bệnh có thời hạn ở nước ngoài để kịp thời phát hiện các trường hợp tiếp tay, giúp đỡ các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép.
Công an tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng Công an, Sở LĐ-TB&XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh... tổ chức “hậu kiểm" đối với việc bảo lãnh cho người nước ngoài đến địa bàn làm việc, thăm thân, du lịch... Mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tổ chức môi giới đưa người nhập cảnh Việt Nam trái phép. Tổ chức kiểm tra đối với việc bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp “bảo lãnh hộ”, “bảo lãnh thuê” nhằm trục lợi.
Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm liên quan đến người nước ngoài với các hành vi chủ yếu là không khai báo tạm trú cho người nước ngoài; người nước ngoài khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhập cảnh hoạt động, hành nghề trái mục đích...
Điển hình năm 2021 đã phát hiện, bắt giữ 66 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Cơ quan An ninh đã khởi tố 3 vụ, với 5 bị can về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Năm 2022, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh phát hiện 3 doanh nghiệp ở KCN Bình Xuyên và KCN Bá Thiện 2 có dấu hiệu vi phạm về bảo lãnh người nước ngoài, tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng; phát hiện, xử phạt 300 triệu đồng đối với 4 doanh nghiệp ở KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Bình Xuyên 2 và KCN Bá Thiện 2 sử dụng 20 lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Đặc biệt, đã phát hiện 32 trường hợp là người nước ngoài đang làm việc tại Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Vĩnh Thịnh không có giấy phép lao động theo quy định. Bên cạnh việc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công an tỉnh đã xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của số lao động nước ngoài này để xử lý, phòng ngừa phức tạp về an ninh trật tự.
N.A (Công an tỉnh)