Nhắc đến “cà
phê dạo” ở Sài Gòn thì ai cũng biết, nhưng đối với thực khách tỉnh lẻ,
nhiều người còn lạ lẫm. Chính điều đó giúp xe cà phê dạo của
anh Trần Bá Hưởng, huyện Bình Xuyên hút khách. Ban đầu, nhiều người uống cà phê dạo vì tò mò, sau thấy ngon nên mua uống mỗi ngày.
Không chỉ gây thương nhớ cho thực khách bởi hương vị cà phê thơm ngon, đậm chất Buôn Ma Thuột, cà phê dạo còn có
giá rẻ bằng ½ những chỗ khác nên rất đắt hàng.
Anh Trần Bá Hưởng pha chế cà phê cho khách
Chiếc xe máy cà tàng của anh Trần Bá Hưởng nổi bật trên phố bởi chiếc thùng bán “cà phê dạo” còn mới, rất bắt mắt. Xe đi dọc các tuyến đường trung tâm thành phố Vĩnh Yên
thu hút nhiều ánh nhìn của thực khách. Mỗi lần xe dừng ở vệ đường là có khách đến mua. Có người mua một lúc vài ba cốc cà phê khiến anh Hưởng bận rộn pha chế liên tục.
“Đồ nghề” pha chế cà phê của anh Hưởng được để trong chiếc thùng tôn. Mỗi khi có khách mua, nắp thùng mở ra trông như tấm pano quảng cáo di động. Ngoài hình ảnh những ly cà phê nóng hổi, số
điện thoại của anh Hưởng được in lớn trên nắp thùng để thực khách dễ nhìn, dễ gọi khi có nhu cầu thưởng thức.
Anh Hưởng cho biết: “Trước đây, tôi ở quận Bình
Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh 2 năm bán cà phê thuê nên biết "thức uống ruột" của người Sài Gòn. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm pha chế, tôi về
quê “hành nghề” cà phê dạo và may mắn được nhiều thực khách đón nhận”.
Anh Hưởng quê ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, nhưng địa bàn hoạt động chủ
yếu ở thành phố Vĩnh Yên và một số khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình
Xuyên. Theo anh Hưởng, phần lớn, người dân đô thị mới có thời gian rảnh rỗi, điều kiện kinh tế để thưởng thức cà phê sáng. Do đó, hằng ngày, anh rời nhà từ 5h sáng để đi bán cà phê dạo. Sau khi đi 1 vòng các khu công
nghiệp anh mới tới thành phố Vĩnh Yên. Bởi lúc này, nhiều người dân đi ăn sáng và thưởng thức thứ đồ uống quyến rũ này.
Theo ảnh Hưởng, thời điểm đông khách nhất là từ 8-9h và 13-14h. Lúc này, nhiều khách hàng có nhu cầu uống cà phê nên anh pha không kịp bán.
Chiếc xe bán cà phê dạo của anh Hưởng "nổi bật" trên phố
Để có hàng bán sớm, anh Hưởng phải pha cà phê từ tối hôm trước. Với 8
lít cà phê, mỗi tối anh Hưởng phải dành 2-3h đồng hồ để pha chế. Những chai cà phê pha
sẵn được anh Hưởng chứa vào các chai nhựa, dung tích từ 0,5-1,5 lít.
Anh
Hưởng cho biết thêm: “Tôi mới bán cà phê dạo được 3 tháng nay. Những
ngày đầu, tôi chỉ bán được 15-20 ly, nay tăng lên 100 ly, nên
thấy rất phấn khởi. Toàn bộ các công đoạn từ rang hạt cà phê, xay đến pha chế… đều do chính tay tôi làm. Cà phê được pha bằng những chiếc phin lớn, cứ 0,5kg cà phê/1 phin. Để pha được ly cà phê ngon, chuẩn vị thì nguồn
nguyên liệu nhập về là rất quan trọng và chắc chắn phải là
cà phê Đăk Lăk”.
Ngày thường, anh Hưởng bán cà phê đến 15h, nhưng cuối tuần có thể bán đến chiều muộn. Anh nhận xét: "Ở Sài Gòn, người dân chuộng cà phê nên chỗ nào cũng có cà phê
dạo, mỗi ngày tôi bán được vài trăm ly là bình thường. Cà phê dạo vừa ngon, giá lại rẻ, nên trở thành thức uống quen thuộc của nhiều người dân Sài thành. Người Bắc uống ít, nên sức tiêu thụ vì thế cũng kém hơn".
Đồ nghề bán hàng của anh Hưởng khá đơn giản, chỉ có mấy chai cà phê pha sẵn, sữa
đặc, đường, thùng đá, cốc dùng 1 lần, dụng cụ đánh cà phê... Do được pha sẵn từ nhà nên việc chế cà phê khá nhanh. Vị
đậm đà của ly cà phê dạo khiến nhiều thực khách uống một lần rồi nhớ mãi, giá lại
rẻ, chỉ 15.000 đồng/ly. Nhờ chất lượng thức uống ngon, giá rẻ, phục vụ tận nơi
nên cà phê dạo được nhiều đối tượng khách hàng ủng hộ, từ tiểu thương, công
nhân đến dân văn phòng…
Với số lượng tiêu thụ từ 100-150 ly cà phê, anh
Hưởng có doanh thu từ 1,5-2 triệu đồng/ngày. Con số khá ấn tượng cho thấy mô hình kinh doanh cà phê dạo dù còn mới mẻ nhưng có hiệu quả về kinh tế. Mặt khác, vốn đầu tư cho mỗi xe cà phê tuy nhỏ nhưng lại tạo ra nguồn lợi nhuận tương đối hấp dẫn, nhất là với những người có đam mê kinh doanh trong lĩnh vực pha chế đồ uống.
Bài, ảnh: Hà
Trần