Nhắc đến nét ẩm thực của quê hương Tứ Yên, huyện Sông Lô hẳn nhiều người không quên các món ăn dân dã, gần gũi như cá thính, bánh gai... Nhưng nổi tiếng hơn hẳn đó là bánh tẻ - món quà không chỉ mang hương vị của trời, của đất, của tình người, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.
Bánh tẻ Tứ Yên được làm từ những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ loại ngon, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, lá dong…
Lá dùng gói bánh tẻ là loại lá dong nếp, có kích thước vừa phải, không quá già cũng không quá non
Bánh tẻ Tứ Yên khác với bánh tẻ ở địa phương khác là dùng nước nẳng để quấy bột bánh. Nước nẳng được lọc từ tro của cành xoan, đỗ tương, vỏ lạc, cây vừng, cây gai bằng soọng, cây se pa...
Để biết nước nẳng có vừa hay không, người làm bánh kiểm tra bằng cách nhấp một ngụm nhỏ nước nẳng vào miệng, nếu thấy vị hơi chan chát là được, còn nếu vừa chát, vừa xin xít ở miệng là mặn cần phải pha thêm nước
Gạo làm bánh tẻ sau khi được ngâm 5-7 tiếng sẽ được đem nghiền thành bột mịn. Sau đó hòa với nước nẳng theo tỷ lệ nhất định
Bột bánh được quấy đều đến khi đặc lại, sền sệt thì bỏ lửa để ủ khoảng 5 phút. Khi bột gần chín, không dính vào đũa cả và róc nồi thì bắc xuống để gói
Bánh được gói ngay khi bột còn nóng sẽ dẻo và ngon hơn. Tùy khẩu vị từng gia đình mà bánh có thể làm bánh có nhân hoặc bánh không nhân. Nhân bánh có thể là lạc rang giã nhỏ hoặc có thể dùng thịt lợn, mộc nhĩ, hành lá băm nhỏ. Tất cả cho vào trộn đều, đảo chín trên chảo với hạt nêm, nước mắm ngon và hạt tiêu
Bánh sau khi gói xong sẽ được cho lên hấp cách thủy khoảng 45 phút
Bánh ăn ngon nhất là khi vừa mới vớt ra. Khi ăn, dùng dao cắt bánh thành từng khúc nhỏ, có thể chấm bánh với nước mắm thêm tiêu, ớt cho dậy mùi
Chùm ảnh của Dương Chung - Trà Hương