Chiều 28/5, đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực trạng một số di tích đã xuống cấp tại thành phố Vĩnh Yên và huyện Lập Thạch. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo UBND thành phố Vĩnh Yên, UBND huyện Lập Thạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu kiểm tra thực tế tại di tích đình Tiên Lữ, xã Tiên Lữ (Lập Thạch). Ảnh: Trà Hương
Đoàn đã kiểm tra thực tế tại các di tích: Đình Tiên Lữ, xã Tiên Lữ (Lập Thạch); chùa Mai Sơn, xã Thanh Trù (Vĩnh Yên); miếu Đậu, phường Định Trung (Vĩnh Yên). Đây là các di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa, trong đó, đình Tiên Lữ đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; miếu Đậu và chùa Mai Sơn được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, đến nay, nhiều hạng mục của các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tới mỹ quan kiến trúc của di tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu kiểm tra thực tế tại di tích miếu Đậu, phường Định Trung (Vĩnh Yên). Ảnh: Trà Hương
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh: Việc tu bổ, tôn tạo các di tích là việc làm cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu kiểm tra thực tế tại di tích chùa Mai Sơn, xã Thanh Trù (Vĩnh Yên). Ảnh: Trà Hương
Đồng chí giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài Chính chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết đề xuất chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo các di tích nhằm kịp thời khắc phục tình trạng xuống cấp của di tích. Từ nay đến khi di tích được tu bổ, tôn tạo, chính quyền địa phương phối hợp Ban Quản lý di tích thực hiện các biện pháp chống mối mọt, hạn chế tối đa mức độ xuống cấp của di tích. Việc tu bổ, tôn tạo các di tích cần thực hiện dựa trên nguyên tắc giữ nguyên quy mô, kiểu dáng kiến trúc, bảo tồn tối đa những cấu kiện còn tốt và thay thế cấu kiện hư hỏng nặng, không còn khả năng tái sử dụng.
Bạch Nga