Do được xây dựng đã lâu, cống Triệu Đề tại đê hữu sông Phó Đáy (Lập Thạch) đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo tiêu thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) mùa mưa bão năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm cống Triệu Đề, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện.
Cống Triệu Đề tại K10+785 đê hữu sông Phó Đáy thuộc địa phận xã Tây Sơn (Lập Thạch) được xây dựng từ năm 1950 với thiết kế có 3 cửa khẩu độ, cánh cống bằng thép, vận hành bằng 3 dàn van, máy đóng, mở bằng điện. Cống có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho hơn 5.100ha lưu vực các xã thuộc huyện Lập Thạch, ngăn lũ sông Phó Đáy chảy vào khu dân cư và diện tích đất nông nghiệp.

Khoang vận hành và vị trí cánh cống Triệu Đề bị hư hỏng sau bão.
Do được xây dựng đã lâu, cống Triệu Đề hiện có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Trước đó, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Yagi) xảy ra vào tháng 9/2024, cống Triệu Đề đã bị bục cánh cống, nước tràn vào trong đê, gây nguy hiểm cho nhiều khu dân cư và diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lập Thạch.
Sự cố bục cống Triệu Đề đã được khắc phục, nhưng đến nay dầm cầu tại vị trí cánh cống đã xuống cấp, nhiều vị trí trên trần cống, thành cống xuất hiện khe nứt lớn, có kích thước từ 2 - 5cm; khoang vận hành, sàn vận hành cống đều đã xuống cấp, nhiều vị trí bị nứt vỡ… Ngoài ra, mặc dù là cống tiêu lớn nhưng cống Triệu Đề chưa có hầm chứa để xử lý trong tình huống khẩn cấp hoặc trong thời gian sửa chữa cống.

Sàn vận hành và hệ thống lan can cống Triệu Đề bị hư hỏng, xuống cấp.
Để đảm bảo công tác PCTT&TKCN mùa mưa bão năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm cống Triệu Đề, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện. Theo đó, địa điểm Ban Chỉ huy bảo vệ trọng điểm cống Triệu Đề được đặt tại trụ sở UBND xã Tây Sơn. Khi xảy ra sự cố cần sẵn sàng phương án sơ tán người dân, huy động lực lượng tại chỗ tối thiểu 330 người tại địa phương bao gồm lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, cán bộ Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn và Hạt Quản lý đê…
Vật tư tại chỗ được bố trí tại các Hạt Quản lý đê thuộc địa phận các xã Cao Phong (Sông Lô) và Sao Đại Việt (Vĩnh Tường). Ngoài ra, UBND huyện Lập Thạch cần dự trữ 9.000m3 đất, 2.000m3 cát đen, 6.000m3 đá hộc, 4 máy phát điện công suất từ 2,5 - 5kW; UBND xã Tây Sơn và Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn dự trữ 2.000 bao tải, 1.000m3 cát đen… và một số vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Đối với phương án hậu cần tại chỗ, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lập Thạch xây dựng phương án đảm bảo nguồn vật tư tại chỗ sử dụng khẩn cấp và lực lượng tham gia ứng phó sự cố thiên tai từ 500 - 800 người; phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc kịp thời, thông suốt. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đảm bảo thông suốt các tuyến tỉnh lộ 305, 305C, 306, 309 và các tuyến đường liên huyện, liên xã, sẵn sàng phương án sử dụng mặt đê làm đường cứu hộ khi xảy ra sự cố.

Nhiều vị trí của cống Triệu Đề bị nứt vỡ, rò rỉ nước gây mất an toàn.
Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn thường xuyên kiểm tra, theo dõi hệ thống công trình cống Triệu Đề, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố. Khi lũ báo động cấp 1 trở lên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình tại cống, ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng, vận hành cống trái phép; kiểm tra phần tiếp giáp giữa cống với đê, các bộ phận của cống và khu vực thượng lưu, hạ lưu cống để phát hiện, xử lý kịp thời sự cố ngay từ giờ đầu.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra công tác triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm cống Triệu Đề; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện hiệu quả các biện pháp hộ đê, bảo vệ trọng điểm; đảm bảo vệ sinh môi trường trước và sau lũ, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Mặc dù đã xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, song do cống Triệu Đề đã xuống cấp, hiện có nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng, tỉnh cần kịp thời có phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi trọng điểm này để đảm bảo an toàn đê điều, thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN mùa mưa bão.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn