Chiều 8/5, đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe các sở, ngành, đơn vị báo cáo về dự thảo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2025 - 2035.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Chung
Đồng Đậu là di tích khảo cổ có quy mô rộng lớn hơn cả trong số các di tích khảo cổ thời dựng nước, ước tính rộng khoảng 85.000m2. Từ khi được phát hiện (năm 1962) đến nay, di tích Đồng Đậu được các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần với tổng diện tích 802m2. Qua các hiện vật khai quật được cho thấy, Đồng Đậu là di tích có diễn biến văn hóa lâu dài, hiếm có, trải suốt từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, qua Đồng Đậu, Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL báo cáo dự thảo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu, giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: Dương Chung
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL chủ trì rà soát, nghiên cứu để xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu.
Theo dự thảo Đề án, giai đoạn 2025 - 2035, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Nghiên cứu tư liệu và khai quật khảo cổ một cách có hệ thống và quy mô lớn hơn để hiểu rõ hơn các mặt giá trị di tích theo hướng bảo tồn tại chỗ, có chọn lọc (nhà trưng bày bảo tàng) tại di tích; xây dựng hồ sơ khoa học di tích trình Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; xây dựng cơ sở dữ liệu về di tích trên nền tảng công nghệ số; xây dựng quy hoạch bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục di sản, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá trị của di tích; tổ chức các hoạt động trưng bày, giáo dục truyền thống, quảng bá, giới thiệu về giá trị di tích ở trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế; xây dựng và kết nối di tích Đồng Đậu với các điểm du lịch ở trong và ngoài tỉnh; phân kỳ các giai đoạn và khái toán nguồn kinh phí, nguồn vốn cần đầu tư cho đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu, giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: Dương Chung
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu đề nghị Sở VH-TT&DL tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào dự thảo đề án; thống nhất tên gọi là Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2025 - 2035 và những năm tiếp theo; rà soát kỹ các hạng mục như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng… đưa vào nội dung của đề án; xây dựng phim tư liệu tái hiện các hiện vật, cổ vật khai quật tại di tích phục vụ người dân và du khách tham quan; đưa vào đề án kế hoạch thực hiện khai quật di tích lần thứ 8; rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ của đề án, xây dựng khái toán cho từng nhiệm vụ sát với thực tế; xây dựng phương án quản lý, vận hành sau khi di tích đi vào hoạt động.
Việc triển khai đề án nhằm nhận diện sâu sắc và toàn diện hơn nữa các giá trị tiêu biểu của di tích Đồng Đậu, đưa nơi đây thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một quần thể di tích quan trọng bậc nhất về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào lịch sử dân tộc; kết nối với các điểm di tích lịch sử - văn hóa thành một chuỗi tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn; góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực nội sinh quan trọng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội.
Bạch Nga