Trước nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng cao, sự bùng nổ của thương mại điện tử, các giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng của tỉnh… lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TMDV) phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ. Quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu trong các lĩnh vực TMDV đạt mức tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của tỉnh.
Chuỗi bán lẻ của hệ thống siêu thị Điện máy Xanh mang lại trải nghiệm mua sắm tối ưu cho khách hàng.
Xác định TMDV là một trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế quan trọng, tỉnh đặc biệt quan tâm, ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, tích cực triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch, xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế.
Ngay từ đầu năm 2025, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức các chương trình xúc tiến điểm đến và liên kết phát triển du lịch với các thị trường trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang…; tổ chức triển lãm liên hoan du lịch ẩm thực, làng nghề, triển lãm xúc tiến quảng bá du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng và phụ cận tại Vĩnh Phúc…
Các chương trình xúc tiến du lịch được lồng ghép với hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt đối với chương trình OCOP của tỉnh, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành TMDV.
Quý I/2025, tổng lượt khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt 2,85 triệu người, tăng 11% so với cùng kỳ, với tổng doanh thu du lịch đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; doanh thu trong lĩnh vực vận tải đạt hơn 2.140 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Siêu thị GO! Vĩnh Phúc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Thế Hùng
Hiện nay, các loại hình TMDV phát triển nhanh chóng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, cùng với các chợ truyền thống, các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, bán lẻ... tăng nhanh cả về số lượng, quy mô hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Toàn tỉnh hiện có 65 chợ nông thôn được đầu tư, xây dựng từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí hơn 106 tỷ đồng; ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 76 cửa hàng tự chọn Winmart+ và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, việc phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại trên nền tảng số hóa được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của thị trường với 100% các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh có thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt, 55% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng các kênh thanh toán điện tử...
Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện máy Xanh, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Để kích cầu mua sắm, Điện máy Xanh thường xuyên áp dụng các chương trình khuyến mãi vào các dịp lễ trong năm. Chuỗi cửa hàng cũng áp dụng các chương trình khuyến mại dành riêng cho những khách hàng mua nhiều sản phẩm. Để khuyến khích khách hàng áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, một số chương trình khuyến mãi sử dụng mã giảm giá khi khách hàng thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng và ví điện tử, mang lại nhiều tiện ích, lợi ích cho khách hàng khi mua sắm”.
Quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu trong các lĩnh vực TMDV của tỉnh đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025, lĩnh vực TMDV cần có sự “bứt tốc” mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại, mở rộng kênh phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ; thúc đẩy phát triển mô hình bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình xúc tiến du lịch, thương mại để kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường; tích cực thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp bán lẻ lớn, phát triển hệ thống logistics và chuỗi cung ứng hiện đại tạo nền tảng vững chắc cho phát triển thương mại – dịch vụ.
Đồng thời tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hoàng Sơn