Tọa lạc ở trung tâm thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), đình Thổ Tang là một trong số những ngôi đình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII. Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình Thổ Tang gắn với phát triển du lịch luôn được các cấp, ngành và nhân dân địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.
Đình Thổ Tang được xây dựng vào thế kỷ XVII. Đây là nơi thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương - vị tướng tài có công đánh đuổi giặc Nguyên - Mông. Tương truyền, danh tướng Phùng Lân Hổ quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, nay là thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Khi giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu vời người tài đánh giặc. Phùng Lân Hổ xin đi và được vua cho chỉ huy một đội quân lên vùng Gia Ninh (nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bày binh bố trận lập phòng tuyến bảo vệ kinh đô Thăng Long. Vì có công giúp dân đánh giặc cứu nước nên Phùng Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều, nhưng ông từ chối, xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.
Bị thua trận, giặc Nguyên - Mông cay cú tìm cách quay trở lại báo thù. Phùng Lân Hổ lại được vời ra chỉ huy chiến tuyến Gia Ninh - Dục Mỹ. Nhưng thế giặc mạnh và đông, ông bị thương khi đang chiến đấu ở vùng Bạch Hạc - ngã ba sông thành phố Việt Trì ngày nay. Trong lúc nguy nan, ông đã phi ngựa qua vùng đất Thổ Tang và máu ông đã đổ xuống nơi đây. Sau này, khi vua Trần Nhân Tông tuyên dương tướng Phùng Lân Hổ và ban tặng 8 chữ “Nam thiên tráng khí Bắc khấu hàn tâm” thì nhân dân Thổ Tang tâu với triều đình cho xây đình để tưởng nhớ.

Đình Thổ Tang (Vĩnh Tường) được tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Kim Ly
Đình Thổ Tang được xây dựng với quy mô khá bề thế, gồm 2 tòa bố cục kiến trúc theo hình chữ đinh là đại đình 5 gian 2 dĩ và 2 gian hậu cung. Kết cấu bộ vì chính (hệ khung gỗ) của đình được xây dựng theo kiểu thức “chồng rường - giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng cốn, hạ kẻ - bẩy”, đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ XVII - XVIII).
Trong đình hiện còn lưu giữ 21 bức chạm khắc gỗ độc đáo với nhiều kỹ thuật chạm khác nhau như chạm nông, chạm lộng, kênh bong… tái hiện sinh động, sâu sắc quá trình lao động, sinh hoạt cũng như những mong muốn, ước nguyện của cư dân nông nghiệp xưa như bức ngày hội xuống đồng, bắn thú, đá cầu, chơi cờ, uống rượu, trai gái tình tự, gia đình hạnh phúc, đánh ghen, vợ chồng lười và nhiều hình rồng, phượng khác… Năm 2018, đình Thổ Tang được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, ghi nhận giá trị văn hóa và lịch sử to lớn của ngôi đình này.
Đồng chí Lê Kim Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho biết: Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân luôn quan tâm, đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình Thổ Tang gắn với phát triển du lịch. Thị trấn đã thành lập Tiểu Ban quản lý di tích đình Thổ Tang và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nhằm thực hiện công tác đón tiếp nhân dân và du khách thập phương, không để xảy ra tình trạng cháy nổ, mất an toàn, trộm cắp đồ thờ…
Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương duy trì tổ chức lễ hội truyền thống đình Thổ Tang 5 năm một lần từ ngày mùng 10 - 12 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ truyền thống, trang trọng như rước sắc, rước nghinh từ Đền Trúc Lâm, rước Bình hương từ Miếu Nhà nuôi về đình, đón lễ quan anh, tổ chức tế lễ và hoàn sắc…
Bên cạnh phần lễ, phần hội cũng tưng bừng không kém với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao, trò chơi dân gian như hội thi các ông Đô, kéo co, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt và các trò diễn xướng dân gian, tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Xây dựng lộ trình cụ thể, triển khai hiệu quả, đúng tiến độ và đảm bảo mục tiêu, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang theo Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang giai đoạn 2025 - 2030.
Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2025 gồm các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo đình Thổ Tang (hạng mục đình chính); tu bổ, tôn tạo cổng đình và ao sen. Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030 gồm các dự án xây dựng mới các hạng mục công trình nhà thủ từ, nhà vệ sinh, lầu hóa vàng, sân hành lễ; bảo vệ, bảo quản các di vật có giá trị, cây cổ thụ trong khuôn viên di tích; xây dựng hệ thống bia, biển giới thiệu di tích, các biển chỉ dẫn; tôn tạo hệ thống cảnh quan di tích; tôn tạo hệ thống tường rào bao quanh khu di tích. Giai đoạn 3 từ năm 2030 - 2050 gồm các dự án nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích và cộng đồng xung quanh di tích; tư liệu hóa di sản bằng công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong khai thác giá trị di tích; tuyên truyền, quảng bá du lịch; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch và các tour, tuyến kết nối với khu di tích đình Thổ Tang.
Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn xã hội hóa.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đình Thổ Tang và các di tích trên địa bàn tỉnh nói chung; tích cực quảng bá, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống và hình thành các làng nghề mới; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào bảo tồn di tích, phát triển du lịch, dịch vụ, ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng du lịch…
Phương Anh