Vì cuộc sống mưu sinh, ngày càng có nhiều đảng viên đi làm ăn xa. Về nguyên tắc, điều này không trái với chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, đi làm việc ở nơi chưa có tổ chức Đảng, lại không thường xuyên về tham gia sinh hoạt chi bộ tại địa phương khiến không ít trường hợp phải ngậm ngùi xin ra khỏi Đảng. Đây là thực tế khiến cấp ủy nhiều địa phương trăn trở và triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên.
Đổi mới phương pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa
Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế tại địa phương không thành công, anh Nguyễn Văn Chí Châu, đảng viên thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên (Yên Lạc) đã đi xuất khẩu lao động ở Philippines nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình.
Với khoảng cách địa lý hàng trăm nghìn cây số, anh Châu từng nhiều đêm mất ngủ, trăn trở không biết làm sao để hoàn thành nhiệm vụ người đảng viên. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn, anh đã làm đơn xin cấp ủy, chi bộ tạo điều kiện miễn sinh hoạt Đảng.
Dẫu vậy, anh vẫn thường xuyên nắm bắt thông tin, tham gia sinh hoạt chi bộ và đóng góp ý kiến bằng hình thức trực tuyến. Anh luôn bố trí, thu xếp công việc hợp lý nhất để cuối năm trở về nước thăm gia đình vào đúng dịp tổng kết sinh hoạt chi bộ và chấp hành nghiêm việc làm báo cáo kiểm điểm.
Được biết, Chi bộ thôn Lạc Trung có 9 đảng viên đi làm ăn xa, trong đó, 7 đảng viên làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; 2 đảng viên đi xuất khẩu lao động. Việc đảng viên đi làm ăn xa, phát triển kinh tế gia đình là nguyện vọng chính đáng nên chi bộ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, nếu là đảng viên có tính chất công việc không ổn định, khoảng cách địa lý lớn, chi bộ sẽ hướng dẫn làm đơn xin miễn sinh hoạt theo đúng quy định. Thời gian tổ chức sinh hoạt định kỳ cũng được bố trí linh hoạt, phù hợp với thực tế, chủ yếu là sinh hoạt vào buổi tối. Do đó, nhiều người dù đi làm ăn xa vẫn bố trí thời gian tham gia sinh hoạt đầy đủ.
Đối với trường hợp đảng viên nào công việc bận rộn, bị quản lý thời gian chặt chẽ cũng như thường xuyên làm tăng ca vào ngày nghỉ sẽ tham gia sinh hoạt, nắm bắt thông tin qua nhóm zalo chung của chi bộ.
Theo thống kê, Đảng bộ huyện Yên Lạc có 59 tổ chức cơ sở Đảng với trên 7.400 đảng viên. Trong đó, có hơn 400 đảng viên xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời do đi làm ăn xa. Đối với những đảng viên đi làm ăn xa này, việc quản lý gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn đều là lao động tự do, thường xuyên thay đổi nơi làm việc nên không có địa chỉ cụ thể.
Việc nắm bắt thông tin cá nhân, ý thức chấp hành pháp luật của đảng viên cũng khó khăn và không thể cập nhật thường xuyên, kịp thời. Do đó, việc đánh giá chất lượng đảng viên đảm bảo chính xác, khách quan cũng là bài toán khó cho cấp ủy cơ sở.
Giải quyết vấn đề này, Huyện ủy Yên Lạc yêu cầu các tổ chức Đảng giữ mối liên hệ mật thiết với các đảng viên đi làm ăn xa. Vào dịp sinh hoạt chi bộ, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho đảng viên. Từ đó, dù làm việc trong bất cứ môi trường nào, các đảng viên cũng luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, Điều lệ Đảng.
Bắt kịp với xu thế của quá trình chuyển đổi số, chi ủy tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức sinh hoạt, phổ biến thông tin trên các nhóm zalo chung. Việc đánh giá, nhận xét, xếp loại đảng viên đi làm ăn xa phải nắm bắt trên nhiều kênh thông tin, đảm bảo khách quan, chính xác.
Không chỉ huyện Yên Lạc, một trong những giải pháp căn cơ để quản lý hiệu quả đảng viên đi làm ăn xa được các huyện ủy, thành ủy triển khai đó là quyết liệt trong chỉ đạo, định hướng phát triển KT-XH của địa phương; chăm lo, mở rộng các lớp tập huấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nhất là đảng viên trẻ.
Cùng với đó, không ngừng nhân rộng mô hình phát triển kinh tế để đảng viên học tập, làm theo, đồng thời, ưu tiên hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ sản xuất, giúp người dân và các đảng viên có cuộc sống ổn định.
Quan tâm thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI
Đảng viên của Công ty TNHH Công nghiệp Diamond (KCN Khai Quang) luôn gương mẫu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: Dương Hà
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, có hơn 460 doanh nghiệp FDI với hàng trăm nghìn công nhân lao động. Vấn đề thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI vốn là bài toán đầy khó khăn, thách thức.
Chính vì vậy, nhiều đảng viên khi xin vào làm việc tại các công ty FDI do áp lực về công việc, eo hẹp về thời gian không thể thường xuyên về tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương nên đã làm đơn xin ra khỏi Đảng. Thực tế này được cấp ủy các cấp nắm bắt, trăn trở tìm cách khắc phục trong nhiều năm qua.
Từ năm 2002 - 2022, Vĩnh Phúc chỉ có 2 doanh nghiệp FDI thành lập được tổ chức cơ sở Đảng. Trong 10 năm, con số này vẫn đứng im đủ để thấy sự khó khăn trong việc thành lập tổ chức Đảng trong loại hình doanh nghiệp này.
Nhận thấy đây là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên là công nhân lao động xa nhà, Vĩnh Phúc đã đổi mới tư duy, sáng tạo cách làm, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cùng với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề, kế hoạch nhằm củng cố và nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, Tỉnh ủy hỗ trợ kinh phí thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tỉnh ủy cùng đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động, tuyên truyền việc thành lập các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp.
Dù gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, song, kết quả của các buổi làm việc đều rất khả quan, nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau khi hiểu thêm về vai trò, phương châm hoạt động của các tổ chức Đảng đã khẳng định sẽ thành lập tổ chức Đảng trong thời gian sớm nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên và công nhân lao động sinh hoạt chi bộ, tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả.
Theo ông Kim Kwangyoon, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Optrontec Vina có 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất Filter quang học tại Khu công nghiệp Bá Thiện, hiện nay, công ty có tổ chức Công đoàn hoạt động rất hiệu quả, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
Tuy nhiên, sau khi được các tổ chức chính trị tuyên truyền về vai trò của tổ chức Đảng, công ty nhận thấy đây cũng là tổ chức rất quan trọng, giúp công nhân thêm gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chi bộ Đảng lại hoạt động ngoài giờ, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Như vậy, sẽ đem lại lợi ích cho cả chủ sử dụng lao động lẫn người lao động.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh thành lập được 11 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI với gần 500 đảng viên. Mặc dù là bước đột phá từ đầu nhiệm kỳ đến nay, song, so với tổng số các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn, đây vẫn là con số hạn chế.
Giải quyết vấn đề này, các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức Đảng. Các ban, ngành chức năng tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hợp lý, quyết tâm nâng cao số lượng doanh nghiệp FDI thành lập tổ chức Đảng trong thời gian tới.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đảng viên trong quá trình làm việc, không còn bị áp lực phải trở về địa phương sinh hoạt chi bộ định kỳ, đúng thời gian cũng như không còn tình trạng đảng viên xa quê phải ngậm ngùi "rời xa" Đảng.
Lê Minh