Trước sức ép cạnh tranh và yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhiều nông dân đang dần rũ bỏ tư duy cũ, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bài bản, thân thiện với môi trường. Đồng hành cùng họ không chỉ là khát vọng vươn lên mà còn là sự tiếp sức kịp thời, thiết thực của tỉnh - từ định hướng quy hoạch, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đến kết nối thị trường tiêu thụ. Từ đó giúp mở ra cánh cửa để nông dân bước ra khỏi "lối mòn", hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị.
Từng vinh dự được nhận Cúp Vàng “Nhà quản lý xuất sắc vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam”, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) là một trong những nông dân điển hình cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn từ bỏ lối canh tác truyền thống, chuyển sang sản xuất quy mô lớn, an toàn, nâng cao giá trị nông sản.
Dưới sự điều hành linh hoạt và tầm nhìn xa của bà Hương, nhiều năm qua, HTX Nhân Lý đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, quy trình canh tác lúa tại HTX đã được cơ giới hóa đồng bộ: từ khâu gieo mạ, làm đất, gieo cấy đến việc sử dụng thiết bị bay không người lái để bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, HTX đã xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích trên 150 ha, tạo tiền đề hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững. Những năm qua, HTX Nhân Lý đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ lúa, gạo. Thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân” do HTX phát triển đã có được chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và khẳng định vị thế sản phẩm nông sản địa phương.

Nhờ sản xuất quy mô lớn, theo hướng an toàn, bền vững, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Bình Xuyên) đã xây dựng thành công thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân”. Ảnh: Nguyễn Lượng
Không chỉ có bà Hương, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân tiên phong trong việc thay đổi tư duy sản xuất như: Anh Bùi Văn Sỹ, xã Bắc Bình (Lập Thạch) với mô hình trồng cây ba kích theo tiêu chuẩn GACP-WHO; anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (Tam Đảo) đã thành công nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo; anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (Lập Thạch) với mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP.... Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều nông dân trong tỉnh.
Góp phần vào thành công và sự nhân rộng của những mô hình này, ngoài nỗ lực của các cá nhân không thể thiếu sự đồng hành của chính quyền các cấp. Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, trình độ cho nông dân. Riêng năm 2024, tổ chức hơn 495 lớp tập huấn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, qua đó giúp người dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất theo kinh nghiệm sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao vào thực tiễn.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt các chính sách như hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hỗ trợ sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản không ngừng tăng lên, đạt trên 11,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2024 ước đạt 63 triệu đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển mình của nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn không ít rào cản cần tháo gỡ. Cụ thể, đó là tình trạng đất đai manh mún, sản xuất nông nghiệp phần lớn quy mô còn nhỏ, phân tán, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chưa nhiều. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ còn cao. Phần đa vẫn giữ tư duy manh mún, sản xuất chưa theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số còn chậm
Đồng hành cùng nông dân hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, an toàn, bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai và đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; chú trọng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng thời tích cực đổi mới, phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; phát triển các HTX nông nghiệp, trang trại theo hướng chú trọng việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.
Dù còn nhiều thách thức, song sự tiếp sức kịp thời từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh sẽ là bệ đỡ quan trọng để nông dân vững bước ra khỏi "lối mòn" và khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình chuyển mình của nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Nguyễn Hường