Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TPHCM đến tất cả các công trình, dự án.
Bộ Xây dựng – cơ quan chủ trì cho biết, theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng.
Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tới dự lễ Khánh thành Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại điểm cầu TPHCM.
Riêng tại TPHCM – điểm cầu chính có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, có 6 công trình, dự án được khánh thành, khởi công gồm: Khánh thành Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; khánh thành Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; khởi công hạng mục lấn biển thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ; khởi công dự án Vành đai 2 TPHCM (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới; là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 80 năm Quốc khánh và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong Công điện ngày 7/4 về việc chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Hòa chung trong không khí phấn khởi của cả nước trong ngày lễ lịch sử, Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án quan trọng và các công trình lớn để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới.
Cùng dự tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã dự lễ công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên tàu bày do các đơn vị của Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện.
Điểm cầu Bình Thuận: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự Lễ khánh thành 2 công trình giao thông: Công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum) và Công trình đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B).
Công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum) do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư được khởi công ngày 25/11/2020, hoàn thành đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum ngày 10/4/2025.
Đoạn đường này có chiều dài 17,8 km, nền đường rộng 28m, chiều rộng mặt đường 8m x 2 = 16 m, dải phân cách giữa rộng 11m, chiều rộng lề gia cố mỗi bên 0,5 m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm; xây dựng mới 3 cầu; đầu tư đồng bộ hạng mục điện chiếu sáng, cây xanh và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông.
Tổng mức đầu tư của công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B là hơn 1.274 tỷ đồng (tính cả dự án 25,6 km).
Công trình Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B) được khởi công ngày 16/11/2021 và hoàn thành ngày 31/12/2024; có chiều dài 7,7 km; chiều rộng nền đường 37 m, chiều rộng mặt đường 8m x 2 = 16 m, dải phân cách giữa rộng 9m, lề đường mỗi bên 6m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm; xây dựng mới 3 cầu; đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông. Tổng mức đầu tư của công trình là hơn 419,9 tỷ đồng.
Đây là 2 công trình hạ tầng giao thông chiến lược, được tỉnh ưu tiên đầu tư nhằm kết nối với trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và hoàn thiện tuyến đường ven biển quốc gia về phía Nam thành phố Phan Thiết. Góp phần định hướng phát triển không gian ven biển, mở rộng không gian đô thị; kết nối giao thông đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải; phát huy và lan tỏa động lực do công trình mang lại để khai thác hiệu quả tiềm năng quỹ đất khá rộng lớn và nhiều tiềm năng của khu vực này, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế biển,…
Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nâng cao đời sống người dân tại các khu vực dự án đi qua và của địa phương. Đây không chỉ là những tuyến đường giao thông, 2 công trình này còn mang biểu tượng cho ý chí vươn lên, cho tinh thần đoàn kết và tầm nhìn phát triển bền vững của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ thông xe kỹ thuật 2 đoạn cao tốc đi qua tỉnh Hà Tĩnh (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng):
Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có tổng chiều dài tuyến khoảng 35,28 km đi qua địa phận các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, có mức đầu tư là 7.643,57tỷ đồng. Đoạn tuyến có 3 nút giao: Nút giao QL8A, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ kết nối cửa khẩu Cầu Treo, Thị xã Hồng Lĩnh; nút giao Đường tỉnh 548, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc kết nối Thị trấn Nghèn, Khu di tịch lịch sử Ngã 3 Đồng Lộ, QL1A và nút giao với Đường tỉnh 550, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà kết nối với TP. Hà Tĩnh, QL1A.
Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có tổng chiều dài khoảng 54,2km, đi qua địa phận các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh, có tổng mức đầu tư dự án là 9.734,62 tỷ đồng. Đoạn tuyến có 3 nút giao: Nút giao Cẩm Quan QL1 , xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên qua tuyến nối ra QL1A đi Trung tâm huyện Cẩm Xuyên, Khu du lịch Thiên Cầm; nút giao Kỳ Trung, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh ra QL1A kết nối Trung tâm huyện Kỳ Anh và nút giao QL12C, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh kết nối Khu kinh tế Vũng Áng và Thị xã Kỳ Anh.
Giai đoạn phân kỳ, 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120, quy mô 4 làn xe.
Giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120km/h, quy mô 6 làn xe.
Sau khi thông xe kỹ thuật, 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng dự kiến đưa vào khai thác tuyến chính ngày 28/4/2025, hoàn thành dự án trước 30/6/2025.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng góp phần hoàn thiện trục giao thông Bắc – Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các tỉnh miền Trung và cả nước; mở ra không gian phát triển mới, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Hai đoạn cao tốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh, góp phần tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, hHệ thống giao thông hiện đại giúp người dân địa phương tiếp cận nhanh chóng hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục và các tiện ích khác, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường do giảm lưu lượng xe trên các tuyến đường cũ.
Tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên giai đoạn III:
Với tổng mức đầu tư 324,72 tỷ đồng, dự án là cơ hội để Đại học Thái Nguyên từng bước hoàn thiện mô hình quản trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô và chất lượng nghiên cứu.
Cụ thể, dự án sẽ đầu tư xây dựng nhà thí nghiệm và giảng đường lớn Trường Đại học Khoa học, Trung tâm Y học gia đình và thực hành khám chữa bệnh Trường Đại học Y Dược, Nhà giảng đường và thực hành N3 Trường Ngoại ngữ, Trung tâm Thí nghiệm thực hành các khoa Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Nhà Đa năng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình phụ trợ Đại học Thái Nguyên gồm: Nhà ăn, nhà để xe.
Ngoài ra, dự án còn đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin kết nối toàn Đại học Thái Nguyên: Xây dựng nền tảng kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung Đại học Thái Nguyên, gồm 2 thành phần trực tiếp tích hợp, chia sẻ dữ liệu và kho dữ liệu dùng chung; xây dựng hệ thống quản lý hành chính tập trung Đại học Thái Nguyên; xây dựng hệ thống nền tảng sinh viên số Đại học Thái Nguyên; bổ sung tài nguyên tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tập trung Đại học Thái Nguyên.
Việc khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên - giai đoạn III là cơ hội để Đại học Thái Nguyên từng bước hoàn thiện mô hình quản trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô và chất lượng nghiên cứu, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Thái Nguyên - xứng đáng là trung tâm đào tạo hàng đầu của khu vực và cả nước, hướng tới trở thành đại học số, đại học xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập.
Tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự Lễ khánh thành dự án thành phần đường cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang:
Dự án thành phần đoạn Vân Phong-Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng chiều dài 83,35 km, đi qua địa bàn 04 huyện, thị xã gồm huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa.
Điểm đầu (Km 285+000) kết nối đường dẫn cửa phía nam hầm Cổ Mã, thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối (Km 368+350) kết nối điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang-Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.808 tỷ đồng.
Với khối lượng phải thực hiện của dự án rất lớn, để đưa dự án về đích trước thời hạn (khoảng 8 tháng) các đơn vị thi công đã huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân sự, thiết bị và chuẩn bị nguồn vật liệu ngay từ khi khởi công với khoảng trên 2.500 nhân sự, trên 1.200 thiết bị tại thời điểm cao điểm (gấp khoảng 1,5 lần nhân sự, thiết bị theo yêu cầu) để triển khai đồng loạt các hạng mục.
Dự án hình thành góp phần hoàn thành mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra (đến năm 2025 đưa vào khai thác 3000 km đường bộ cao tốc, đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5000 km), cũng như phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3000 km đường bộ cao tốc” vào năm 2025. Dự án cũng góp phần hoàn thành đa mục tiêu: Giải ngân vốn đầu tư công, mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ cho các địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của đất đai, thuận lợi cho kêu gọi xúc tiến đầu tư, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính dự Lễ khởi công dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An:
Tại tỉnh Long An tổ chức Lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 05 các dự án, công trình trọng điểm có vai trò tạo động lực và không gian phát triển mới cho tỉnh, bao gồm Lễ khởi công dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch xã Thanh Phú, huyện Bến Lức; Lễ khởi công dự án Khu dân cư Mai Bá Hương, Lễ động thổ Khu công nghiệp Tandoland; Lễ thông xe đường tỉnh 823D - trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An-TPHCM và Lễ khánh thành dự án nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng cho ngành ô tô của Công ty Shiliduo với tổng giá trị đầu tư của các dự án trên 28,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức của Liên danh Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển DB - Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark với quy mô hơn 220 ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng là dự án mang ý nghĩa chiến lược trong việc định hình và phát triển hệ sinh thái đô thị kiểu mẫu, đảm bảo sự cân bằng giữa kinh tế - cộng đồng - sinh thái, hình thành không gian sống chất lượng cao, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng thời tích hợp đầy đủ các chức năng thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế và du lịch… đáp ứng xu thế đô thị hóa bền vững.
(Theo congan.com.vn)