Với phương châm "Hạ tầng đi trước một bước", những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tăng tính liên kết, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương.
Thi công Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh đoạn qua thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên). Ảnh: Thế Hùng
Khách du lịch có dịp đến Vĩnh Phúc những năm gần đây đều có chung ấn tượng với sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong phát triển KT - XH, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị của tỉnh.
Hệ thống mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối liên thông từ địa phương đến trung tâm, khu công nghiệp (KCN) của huyện, của tỉnh và giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận, góp phần kiến tạo không gian phát triển mới và thúc đẩy tăng trưởng KT - XH của tỉnh.
Để tạo liên kết vùng, có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển KT - XH, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ hoàn thành việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; ký thỏa thuận với tỉnh Tuyên Quang triển khai các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA triển khai các dự án có tính đột phá tạo ra liên kết vùng; ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội nhằm kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Thái Nguyên; đầu tư xây dựng mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với thành phố Hà Nội; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường Vĩnh Yên - Phú Xuyên theo Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, tháng 12/2024, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) phối hợp với UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì với tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng, chiều dài tuyến khoảng 11 km, quy mô từ 4 - 6 làn xe theo TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Đây là công trình giao thông huyết mạch trong phát triển KT - XH của tỉnh, sau khi hoàn thành, dự án góp phần hoàn thiện hệ thống Quốc lộ theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ với các đoạn tuyến đã được đầu tư. Từ đó tăng cường kết nối các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội; giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; tạo điều kiện phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đến nay, tỉnh có cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, trong đó, tuyến đường sắt cấp quốc gia chạy qua dài khoảng 35 km, kết nối tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc; 17 tuyến đường nội tỉnh với tổng chiều dài hơn 370 km; 5 tuyến đường vành đai dài hơn 255 km được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Ảnh: Thế Hùng
Năm 2024, toàn tỉnh thu hút đầu tư vốn FDI đạt 637 triệu USD, tăng hơn 50% so với kế hoạch đề ra; số thu nội địa của tỉnh vẫn ổn định trong tốp 10 tỉnh đứng đầu cả nước với tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng. Riêng quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 8,75% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,25% của quý I/2024 , cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025.
Quyết tâm sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, khơi thông huyết mạch thúc đẩy kinh tế phát triển, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo mục tiêu đề ra, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT - XH; đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm, bám sát quy hoạch phát triển giao thông trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng để kết nối liên vùng, tạo động lực đột phá cho phát triển KT - XH của tỉnh.
Mai Liên