Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách nghỉ việc khi sắp xếp bộ máy, theo tinh thần chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền.
Nội dung được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Tăng lương năm 2024 đã là thành tựu lớn
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện cải cách tiền lương, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ 1/7/2024.
So với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết 27 của Trung ương), mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,390 triệu lên 2,340 triệu đồng/tháng (tăng thêm 68,3%), cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh trà phát biểu tại phiên họp.
Trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% quỹ tiền thưởng; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15% từ ngày 1/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Mức tăng này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương, theo nhận định của Bộ trưởng Nội vụ.
"Chúng tôi đang tổng rà soát lại toàn bộ các chính sách liên quan đến tiền lương, phụ cấp của các đối tượng trong khu vực công liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp", Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định đây là việc cần làm ngay để đảm bảo đến 30/6 sẽ hoàn thiện nghị định thay thế các nhóm nghị định liên quan.
Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, đồng thời cho rằng việc cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công.
"Trong điều kiện đất nước còn nghèo và nhiều khó khăn, đợt tăng lương năm 2024 vừa rồi là một thành tựu rất đáng ghi nhận và được cán bộ, đảng viên, nhân dân và những người hưởng lương, kể cả đối tượng chính sách lương hưu, đánh giá rất cao", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Theo ông, đây là thành tựu lớn và rất đáng mừng vì góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm, nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề khi vừa phải cân đối tiền lương với chi ngân sách trong bối cảnh đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, đàm phán thuế đối ứng với Mỹ còn nhiều phức tạp.
Ông Định cho rằng cần gắn chính sách tiền lương với công cuộc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh vì ngân sách sẽ phải dành một phần chi cho những người thôi việc, nghỉ sớm.
Trước thực tế các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần không được sử dụng ngân sách Nhà nước để chi trả cho những viên chức về hưu sớm hoặc thôi việc, ông Định đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ cho những đơn vị sự nghiệp công này.
Báo cáo kết quả sắp xếp bộ máy giai đoạn 1
Góp thêm ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Bộ Nội vụ cần phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ số lượng biên chế đã giảm trong giai đoạn 1 sắp xếp tổ chức bộ máy của các Ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Từ đó, tính toán phương án tiết kiệm ngân sách.
Tới đây, khi thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, theo ông Mẫn, cũng cần thống kê số lượng cụ thể cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo Nghị định 177 và 178, bởi có con số mới đánh giá được mức tiết kiệm ngân sách qua sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để bố trí cho đầu tư phát triển và lo cho an sinh xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức làm việc.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trước mắt Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để đề xuất với Trung ương đánh giá lại Nghị quyết 27, trên cơ sở đó có những giải pháp thật căn cơ, chiến lược cho việc thực hiện chính sách tiền lương lâu dài.
Về số liệu cụ thể liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của giai đoạn 1 đối với các bộ, ngành Trung ương và cơ quan chuyên môn của hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến địa phương, Bộ trưởng cho biết sẽ có báo cáo riêng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ con số sau khi sắp xếp giai đoạn 1 có bao nhiêu người nghỉ và tương ứng với đó, nguồn kinh phí phải chi trả là bao nhiêu.
Sang giai đoạn 2, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ đang hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách theo tinh thần Nghị định 178 và bổ sung Nghị định 67, đồng thời theo dõi việc thực hiện Nghị định 117.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là tập trung hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống thể chế tác động trực tiếp đối với việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Cùng với việc này, Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu để có thêm chính sách với đối tượng cán bộ không chuyên trách nghỉ theo tinh thần chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, gói ghém lại toàn bộ các chính sách, tác động phải nói là tương đối lớn, theo lời Bộ trưởng.
Nhiệm vụ lớn và quan trọng nhất hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh là tập trung hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống thể chế tác động trực tiếp đối với việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhận định nguồn kinh phí để chi trả cho đối tượng tác động trực tiếp của chủ trương sắp xếp cấp tỉnh, bỏ huyện, giảm xã là rất lớn, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý, việc điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2026 còn phù thuộc vào tình hình kinh tế đất nước và rất nhiều yếu tố tác động khác. Lãnh đạo ngành đề nghị lui lại một bước và có tính toán kỹ lưỡng với việc này.
(Theo dantri.com.vn)