Mặc dù các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, song, việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chính do người dân các địa phương chưa đồng tình ủng hộ về địa điểm xây dựng. Trước thực tế này, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sớm đi vào hoạt động, cải thiện môi trường sống.
Dù tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, song đến nay, mới chỉ có huyện Yên Lạc xây dựng thành công nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung hoạt động hiệu quả. Ảnh: Đức Chung
Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn tỉnh hơn 1.000 tấn/ngày, phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp thông thường, chưa đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Theo Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh hình thành 4 cơ sở xử lý rác thải tập trung tại các huyện: Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường và Yên Lạc với tổng công suất khoảng 1.390 tấn/ngày.
Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa đồng tình ủng hộ về địa điểm xây dựng nhà máy. Đến nay, mới triển khai hoạt động được 2 nhà máy xử lý rác thải bao gồm: 1 nhà máy ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) và 1 khu xử lý rác thải tập trung ở thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc).
Cụ thể, đối với khu xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương), Sở Tài chính (trước đây là Sở Kế hoạch và Đầu tư) và các sở, ngành liên quan, huyện Tam Dương đã nhiều lần kiểm tra, đôn đốc, song, nhìn chung, việc triển khai dự án của Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt còn nhiều yếu kém, bất cập cả về năng lực vốn và trình độ quản lý, chậm tiến độ nhiều năm nên hiện nay, cả 2 lò của dự án đang phải dừng hoạt động do chưa đủ điều kiện tiếp nhận rác thải sinh hoạt.
Đối với việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa (Lập Thạch), mặc dù đã hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, giao đất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, song, đến nay, dự án chưa hoàn thành thủ tục cấp phép, xây dựng do người dân cản trở công tác khảo sát địa chất để lập hồ sơ thiết kế thi công, dẫn đến việc chậm tiến độ xây dựng nhà máy.
Trước thực tế này, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị được xem xét điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Lập Thạch đề xuất giải pháp triển khai dự án.
Thực tế đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và muốn triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhưng chưa thể triển khai do công tác quy hoạch, bố trí địa điểm, tạo quỹ đất sạch còn chậm. Người dân tại nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Tường, Sông Lô, Yên Lạc thực hiện rà soát ngay các vị trí đã được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải trong quy hoạch tỉnh, đối chiếu với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành để phối hợp với các sở, ngành tham mưu đề xuất điều chỉnh các quy hoạch liên quan đảm bảo việc triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn phù hợp các quy hoạch liên quan.
Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại địa phương, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để thực hiện bồi thường GPMB tạo quỹ đất theo hướng: Đối với các khu quy hoạch đã có nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thực hiện việc tổ chức đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu; đối với các khu quy hoạch chưa có nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện GPMB tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa bàn các huyện, thành phố để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đề xuất triển khai thực hiện.
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Tam Dương và UBND huyện Yên Lạc thống nhất giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến Nhà máy xử lý rác thị trấn Hợp Hòa của Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt và Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) của Công ty TNHH MTV xử lý môi trường Trung Nguyên; tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn cho các huyện để triển khai thực hiện việc bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện đề xuất UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở từng địa phương.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Xây dựng đề xuất điều chỉnh các quy hoạch xây dựng có liên quan để đảm bảo sự thống nhất các đồ án quy hoạch, làm cơ sở triển khai được các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ngành thẩm định kỹ các công nghệ xử lý rác thải do các nhà đầu tư đề xuất đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện của tỉnh.
Lưu Nhung