Với sự năng động của người dân cũng như sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, những năm gần đây, nghề chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhất là địa phương có nghề truyền thống.
Không chỉ giúp nâng cao thu nhập của gia đình, cơ sở sản xuất của chị Đỗ Thị Hoài Thu, xã Tiên Lữ (Lập Thạch) còn góp phần đưa sản phẩm cá thính Tiên Lữ đến với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ nhiều năm nay, xã Tiên Lữ ( Lập Thạch) được biết đến là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm với 3 nghề được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống, gồm nghề làm bánh gạo rang, cá thính và làm tương. Trong đó, 2 sản phẩm cá thính và tương nếp được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Từ chỗ chỉ làm để phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, với sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, nhiều hộ dân trong xã đã đẩy mạnh sản xuất, đưa các sản phẩm truyền thống của quê hương ra thị trường. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ đã lên đến hơn 10 tấn bánh gạo rang và gần 30 tấn cá thính mỗi năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lữ Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định: “Mặc dù thu nhập chưa cao, song, việc phát triển nghề chế biến nông sản đã và đang giúp giải quyết tốt bài toán lao động nông nhàn ở địa phương, đồng thời tạo thêm thu nhập cho bà con”.
Chị Đỗ Thị Hoài Thu, chủ cơ sở sản xuất cá thính có tiếng ở xã Tiên Lữ chia sẻ: “2, 3 năm trở lại đây, sản phẩm cá thính ngày càng được nhiều người biết đến và hỏi mua. Việc kinh doanh khởi sắc hơn rất nhiều. Thay vì chỉ túc tắc mỗi năm vài chục cân như trước, giờ đây tôi có thể bán ra thị trường 1,5 tấn cá thính mỗi năm”. Cũng nhờ vậy mà ướp cá thính không còn chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn mà đã trở thành công việc đem lại nguồn thu nhập chính của chị.
Tương tự, xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường) hiện có gần 30 hộ sản xuất bún, bánh cuốn và một số hộ làm bánh ngõa. Chỉ riêng nghề làm bún và bánh cuốn đang tạo việc làm cho 150 lao động trực tiếp sản xuất và hàng trăm người đi bán hàng với thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng.
Mặc dù quy mô sản xuất vẫn mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ, song, sự phát triển của nghề làm bún, bánh ở Lũng Hòa cũng đang đóng góp quan trọng nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.
Cùng với Lũng Hòa, Tiên Lữ, nhiều địa phương trong tỉnh có nghề chế biến nông sản, thực phẩm. Trong đó, một số nghề được công nhận là nghề truyền thống như nghề làm cháo se, bánh hòn ở Bình Xuyên; tương Khả Do ở Phúc Yên, đậu rùa ở Vĩnh Tường…
Đây cũng là một trong những nhóm ngành nghề phát triển mạnh ở nông thôn hiện nay. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc nhóm ngành chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản.
Trong đó, chủ yếu là các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh, bún, đậu, tương, giò chả, nem chua, cá thính. Nhóm ngành này hiện đang giải quyết việc làm cho gần 15 nghìn lao động, trong đó có trên 10 nghìn lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, song trên thực tế, việc phát triển ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Quy mô của đại đa số các cơ sở còn nhỏ, chủ yếu sản xuất ngay tại gia đình, trong khu dân cư, nên khi quy mô sản xuất tăng lên khó tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường. Thiết bị công nghệ sản xuất còn lạc hậu, lao động thủ công là chính. Bên cạnh đó, thương hiệu của sản phẩm chưa thực sự được chú trọng, sức cạnh tranh yếu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm có nhiều khó khăn, chủ yếu là thị trường tự do và nội địa…
Để phát triển ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm, các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư quy hoạch khu sản xuất tập trung, tăng cường hoạt động tuyên truyền để người làm nghề nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời khuyến khích các hộ tham gia vào các chuỗi tiêu thụ hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Hường