Nhằm xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số trong tương lai, ngành Tư pháp tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các mặt công tác. Trong đó, tập trung đẩy mạnh số hóa hộ tịch và liên thông điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Số hóa sổ hộ tịch là quá trình thu thập, phân loại, chụp và tạo lập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch, sau đó, cập nhật vào hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Quá trình này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giúp lưu giữ, bảo quản hồ sơ và dữ liệu hộ tịch an toàn, hiệu quả, thuận tiện khi tra cứu.
Trên địa bàn tỉnh, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên phần mềm hộ tịch dùng chung tại 100% cơ quan có thẩm quyền đăng ký, quản lý hộ tịch. Thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong lĩnh vực tư pháp, ngành Tư pháp tỉnh hoàn thành số hóa hơn 500.000 dữ liệu hộ tịch (giai đoạn 1) và gần 700.000 dữ liệu (giai đoạn 2).
Cán bộ Sở Tư pháp tiếp tục triển khai công tác số hóa hộ tịch và liên thông thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Ảnh: Trường Khanh
Đối với việc liên thông các thủ tục hành chính, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 63 quy định thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai kế hoạch công tác, ban hành văn bản chỉ đạo phòng tư pháp các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện, đảm bảo việc liên thông diễn ra thuận lợi.
Nhờ đó, người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần là giải quyết được các thủ tục hành chính liên quan, không cần thực hiện riêng từng thủ tục như trước đây. Các loại giấy tờ cũng được đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tăng tính công khai, minh bạch.
Tại thành phố Vĩnh Yên, từ tháng 7/2024 đến nay, sau khi triển khai liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính, UBND thành phố Vĩnh Yên giải quyết liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cho 300 trường hợp; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú cho 58 trường hợp.
Việc số hóa hộ tịch và liên thông điện tử giúp các tổ chức, cá nhân có thể giao dịch ở bất cứ đâu và khi nào, chỉ cần có máy tính, điện thoại kết nối internet là nộp được hồ sơ.
Bên cạnh những thuận lợi thì việc liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp nhiều thời điểm bị lỗi, công chức không đăng nhập được vào để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; lỗi tải file, không thực hiện được thao tác ký số và đóng dấu bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử.
Phần mềm dịch vụ công liên thông còn chậm về đồng bộ dữ liệu, chậm chuyển hồ sơ sang phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp. Có trường hợp, sau khi công chức tiếp nhận và chuyển hồ sơ từ phần mềm dịch vụ công liên thông sang phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp phải sau 2-3 giờ mới nhận được. Điều này làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết hồ sơ cho công dân.
Bên cạnh đó, phần mềm dịch vụ công quốc gia không thể hiện thông tin về tên loại giấy tờ cá nhân của người đi kê khai đăng ký khai sinh mà chỉ thể hiện thông tin về số định danh cá nhân, dẫn đến một số trường hợp, thông tin về tên loại giấy tờ cá nhân của người đi đăng ký khai sinh trên phần mềm dịch vụ công quốc gia và phần mềm dịch vụ công tỉnh không đồng nhất với phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Để kịp thời khắc phục khó khăn và triển khai hiệu quả hơn nữa việc liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính trên địa bàn, Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến; tăng cường chia sẻ thông tin trên các nhóm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để các đơn vị khác cùng nắm bắt, cập nhật.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch từ tỉnh tới cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công việc theo tinh thần Nghị định số 63 của Chính phủ.
Đối với công tác số hóa dữ liệu hộ tịch, đơn vị tiếp tục chỉ đạo cán bộ ngành Tư pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình số hóa dữ liệu hộ tịch; nhập đầy đủ, chính xác từ sổ hộ tịch gốc lên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Toàn ngành quyết tâm hoàn thành sớm các nhóm nhiệm vụ của Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số trong tương lai.
Lê Minh