Mỗi độ Tết đến, Xuân về, không khí sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh lại trở nên rộn ràng hơn. Với sự sáng tạo cùng đôi bàn tay tài hoa, bắt kịp xu thế, thị hiếu khách hàng, các sản phẩm làng nghề ngày càng đa dạng và phong phú hơn, theo chân thương lái đến mọi miền Tổ quốc và "xuất ngoại", góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Vĩnh Phúc phát triển, vươn mình trong Xuân mới.
Cùng với sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ truyền thống, gia đình anh Phạm Tiến Đức, xã An Nhân (Vĩnh Tường) còn gia công các giỏ quà Tết, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng
Những ngày cuối năm, về các làng nghề truyền thống như rèn Bàn Mạch; mộc Bích Chu, Thủ Độ... xã An Nhân (Vĩnh Tường), chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết.
Các hộ làm nghề đều chạy đua với thời gian để làm ra những sản phẩm đặc sắc, kịp tiến độ đơn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân mua sắm vật dụng trang hoàng nhà cửa đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.
Qua đôi bàn tay khéo léo và sự nhanh nhạy với xu thế thị trường, người làm nghề đã tạo nên sức sống cho các làng nghề truyền thống. Trước đây, các công đoạn sản xuất chủ yếu là thủ công; ngày nay, nhờ áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất giúp các hộ làm nghề không còn vất vả như xưa.
Với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, nhiều sản phẩm tại các làng nghề ở địa phương đã đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật, khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước như các sản phẩm rèn của HTX Rèn Thanh niên Lý Nhân ở thôn Bàn Mạch, hay sản phẩm Tháp đốt trầm hương gốm gỗ Hải Âu của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hải Âu ở thôn Thủ Độ...
Không chỉ đổi mới công nghệ, các hộ trong làng nghề còn chuyển hướng sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng đơn thuần mà còn trở thành sản phẩm quà tặng, có giá trị cao và sức cạnh tranh trên thị trường.
Tiêu biểu như các hộ làm rèn Trần Văn Trọng, Vũ Đăng Khoa... đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại như máy chặt thép công suất lớn, máy khắc laze thương hiệu…, sử dụng nguyên liệu nhập từ nước ngoài; tập trung vào dòng sản phẩm dao thép trắng không gỉ chuyên phục vụ cho các gia đình, nhà hàng, khách sạn và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng online như Shopee, Lazada, Facebook...
Hiện, không chỉ được tiêu thụ trong nước, nhiều sản phẩm dao tại các cơ sở này đã có mặt tại thị trường nước ngoài, đem lại doanh thu lớn.
Tại các hộ nghề mộc ở thôn Bích Chu đã nhận gia công sản xuất các mẫu giỏ quà Tết với nhiều chủng loại, kích thước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm mộc, nắm bắt xu thế vận động của nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại, gia đình anh Phạm Tiến Đức đã phát triển song song hai dòng sản phẩm mộc mỹ nghệ và thủ công.
Cùng với duy trì các đơn hàng sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ truyền thống như giường, tủ, bàn ghế, tranh gỗ, hoành phi..., 2 năm trở lại đây, gia đình anh Đức nhận sản xuất và cung ứng hàng chục mẫu giỏ đựng quà Tết theo yêu cầu của khách hàng.
Lúc đầu chỉ có một vài đơn hàng đặt làm giỏ quà Tết cho nhân viên, đến nay, gia đình anh Đức mở rộng cung ứng cho cả các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng Tết trong và ngoài tỉnh.
Anh Đức cho biết: Thời gian làm các sản phẩm giỏ đựng bắt đầu từ tháng 8 Dương lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau, cung ứng cho các dịp Tết Trung thu, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu năm...
Nhờ được làm thủ công, tỉ mỉ, màu sắc bắt mắt với mẫu mã đa dạng, độc đáo và giá thành hợp lý nên các sản phẩm được nhiều khách hàng tin tưởng, quay trở lại tiếp tục đặt mua. So với việc sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ truyền thống, doanh thu từ làm giỏ đựng quà cao và tạo việc làm đều đặn cho cơ sở hơn.
Vào các tháng cao điểm, trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Đức có thể xuất bán ra thị trường 30 nghìn sản phẩm giỏ đựng các loại, đem lại thu nhập ổn định cho 10 lao động.
Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề truyền thống với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 55 nghìn lao động nông thôn. Trải qua bao thăng trầm, nhiều làng nghề có lúc tưởng chừng bị quên lãng, mai một.
Nhưng, nhờ sự năng động, nhạy bén của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ làm nghề trong đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng đã giúp nhiều làng nghề truyền thống không chỉ được duy trì, phát triển ổn định mà ngày càng vươn xa và góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng.
Một mùa Xuân mới lại về mang theo bao niềm tin và hy vọng. Tin tưởng rằng, tại các làng nghề sẽ có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, được "xuất ngoại" trong Xuân mới, tạo động lực để các hộ thêm yêu, gắn bó với nghề.
Lưu Nhung