Xác định hệ thống giao thông có vai trò "đi trước một bước" để thúc đẩy phát triển KT - XH, những năm qua, tỉnh đặc biệt chú trọng huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch. Đây là nền tảng, động lực để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT - XH, đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh lọt top đầu cả nước.
Mạng lưới giao thông được quy hoạch đồng bộ góp phần đổi thay diện mạo huyện miền núi Sông Lô. Ảnh: Nguyễn Lượng
Phát huy thế mạnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô, hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trong vùng của tỉnh được quan tâm, quy hoạch, đầu tư đồng bộ.
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng theo Nghị quyết số 57 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng KT-XH, UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, như bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông; triển khai các dự án trọng điểm liên quan đến phát triển vùng và liên kết vùng; đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực…
Ký thỏa thuận với UBND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D và các tuyến đường khác kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh để kết nối Vĩnh Phúc với Thái Nguyên.
Theo đó, tỉnh đã lựa chọn, triển khai đầu tư 15 dự án lớn, trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư công và 15 dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp; huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ vốn vay ODA để ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm, có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển KT-XH.
Từ năm 2020 đến nay, nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm đã được triển khai, hoàn thành hoặc đề xuất đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Toàn tỉnh hiện có 159km đường quốc lộ, cao tốc chạy qua; 191km đường vành đai và các tuyến trục chính được đầu tư, còn 64km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025; có 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 371km đã được cứng hóa 100%, kết nối liên thông từ địa phương đến trung tâm của các huyện, thành phố; nhiều công trình cầu vượt sông như cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Phú… được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng nhằm kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và các tỉnh, thành phố lân cận...
Vừa qua, Ban Quản lý các dự án Đường thủy - Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì. Với tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng, dự án có chiều dài tuyến khoảng 11km, quy mô từ 4 - 6 làn xe theo TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/giờ…
Anh Lê Việt Hà - Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp và cơ khí Phương Nam, đại diện liên danh nhà thầu thi công cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để triển khai dự án bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và hoàn thành vượt tiến độ hợp đồng nhằm đưa công trình vào khai thác, sử dụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao thương của nhân dân”.
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước… tỉnh đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó xác định ưu tiên nguồn lực nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh như trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội…
Đồng thời nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu để tăng cường kết nối, đảm bảo an toàn giao thông và rút ngắn thời gian lưu thông từ trung tâm các huyện, thành phố đến trung tâm của tỉnh; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn với phát triển hạ tầng thuộc các ngành, lĩnh vực khác.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên… Từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, tạo bước phát triển đột phá về KT-XH, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.
Ngọc Lan