Xốp, vải vụn, dây thừng, giấy báo, lon nước, hộp sữa... những đồ phế liệu này đã được đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của các giáo viên mầm non tạo thành đồ dùng, đồ chơi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi đến trường.
Tận dụng những phế liệu và nguyên vật liệu có sẵn, giáo viên Trường mầm non Hương Canh (Bình Xuyên) đã làm thành các mô hình, đồ chơi phục vụ hoạt động vui chơi, học tập của trẻ. Ảnh: Kim Ly
Triển khai hiệu quả chủ đề năm học "Xây dựng trường mầm non hạnh phúc" gắn với việc nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025", ngay từ đầu năm học, Trường mầm non Hương Canh (Bình Xuyên) chỉ đạo nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng làm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho giáo viên. Tổ chức chấm điểm trang trí lớp, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, lấy đó là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hằng tháng.
Cô giáo Đặng Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Canh cho biết: "Hiện, trang thiết bị, đồ dùng dạy học của trường cơ bản đảm bảo cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, nhà trường vẫn khuyến khích giáo viên chủ động sáng tạo, tự thiết kế đồ dùng học tập theo mô hình giáo dục STEAM trong hoạt động giảng dạỵ.
Từ những vật liệu bỏ đi, dễ kiếm, dễ tìm xung quanh, các cô giáo đã tạo thành đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Việc làm này không chỉ khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ mà còn giúp giảm kinh phí mua sắm, đa dạng hóa đồ chơi, đồ dùng học tập; giúp trẻ được trải nghiệm thực tế, trực tiếp khám phá, quan sát thế giới xung quanh".
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên chủ động tìm các nguyên vật liệu tự nhiên, gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày để trang trí góc học tập, làm đồ chơi cho trẻ; thiết kế, sáng tạo ra những đồ dùng mới, đa dạng về số lượng và chủng loại, có tính ứng dụng thực tiễn cao, phù hợp với từng nhóm trẻ.
Cô Đặng Thị Nhung, giáo viên lớp 5 tuổi B, Trường mầm non Hương Canh cho biết: “Đối với nhóm trẻ 5 tuổi, các con có thể linh hoạt, khéo léo cắt, dán, lắp ghép theo trí tưởng tượng của mình. Do đó, bên cạnh những đồ dùng được nhà trường đầu tư, giáo viên cũng chủ động tìm những nguyên vật liệu quen thuộc, dễ tìm như vỏ sò, lá cây và các hộp giấy tái chế để trẻ được quan sát cấu tạo, tính chất của từng đồ vật.
Thông qua những câu hỏi như tại sao, làm thế nào... trẻ sẽ được giáo viên gợi ý, hướng dẫn tự làm những đồ chơi theo sở thích cá nhân. Qua đó, giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tự tin khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề trong cuộc sống”.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường mầm non Hợp Thịnh (Tam Dương) chú trọng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, vui chơi; chủ động đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Phối hợp với tổ chức Công đoàn phát động các cuộc thi làm đồ dùng, đồ chơi vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tết Nguyên đán... thu hút sự tham gia, hưởng ứng sôi nổi của giáo viên nhà trường.
Cô giáo Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường mầm non Hợp Thịnh cho biết: “Đồ chơi được giáo viên sáng tạo theo từng chủ đề của từng hội thi. Những đồ dùng, đồ chơi tự làm phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí nguyên vật liệu dễ kiếm, tận dụng những vật dụng có thể tái sử dụng, có tính ứng dụng, sáng tạo cao, có giá trị sử dụng lâu dài, an toàn, phù hợp với từng nhóm trẻ. Các sản phẩm sau mỗi cuộc thi sẽ được ứng dụng trong hoạt động giảng dạy, học tập và trưng bày trong không gian lớp học, khuôn viên nhà trường”.
Để phát triển phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; khuyến khích giáo viên tham gia các hội thi, hội giảng do trường và ngành phát động.
Qua đó phát huy tính tích cực và niềm đam mê sáng tạo của mỗi giáo viên; góp phần phục vụ thiết thực cho các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.
Hương Giang