Với ý chí tự lực, tự cường, phong trào “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được Hội CCB huyện Tam Đảo triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa, góp phần khẳng định vai trò, uy tín của CCB trên mặt trận kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH tại địa phương.
Công ty TNHH TM&DV Minh Tuyên của CCB Nguyễn Thị Minh Tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực điện dân dụng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng
Là doanh nghiệp do CCB làm chủ, Công ty TNHH TM&DV Minh Tuyên kinh doanh trong lĩnh vực điện dân dụng và giáo dục tại thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan (Tam Đảo) đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, CCB Nguyễn Thị Minh Tư, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Minh Tuyên cho biết: “Sau khi xuất ngũ năm 1981, tôi khởi nghiệp với một xưởng may nhỏ, thu mua sản phẩm may mặc cho người dân trong xã.
Đến năm 2000, nắm bắt thông tin Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam phát triển nuôi gà tại tỉnh, tôi đã kết nối với công ty để triển khai mô hình nuôi gà khép kín cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Tuy nhiên, do hạ tầng điện tại địa phương thời điểm đó còn hạn chế, thường xuyên thiếu điện phục vụ sản xuất khiến gia đình tôi và nhiều hộ dân trên địa bàn xã không thể mở rộng quy mô chăn nuôi.
Năm 2005 tôi quyết định thành lập công ty và dồn hết vốn đầu tư xây dựng 1 trạm biến áp 250KVA riêng với 1.100m đường điện trung thế, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân địa phương và một số hộ phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn xã.
Với nhu cầu sử dụng điện tại địa phương ngày càng tăng, năm 2009, công ty mở rộng đầu tư thêm 1 trạm biến áp 320KVA, nâng tổng lượng khách hàng lên hơn 500 hộ dân, trong đó có 30% hộ chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại.
Với nguồn thu nhập ổn định từ kinh doanh điện và mong muốn phát triển quy mô kinh doanh của công ty, từ năm 2016 đến nay, công ty đầu tư thêm 2 trung tâm dạy tiếng anh cho trẻ em từ 3 - 15 tuổi tại thành phố Vĩnh Yên và thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương)”.
Chủ tịch Hội CCB xã Tam Quan Nguyễn Đức Quý cho biết: “Xã Tam Quan là địa phương có số lượng hội viên CCB nhiều nhất huyện với hơn 770 hội viên, trong đó có hơn 400 hội viên tham gia sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và có thu nhập ổn định”.
Trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Trung ương và địa phương, định hướng của Hội CCB các cấp, trên địa bàn huyện Tam Đảo ngày càng xuất hiện thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do CCB làm chủ.
Một số mô hình tạo nhiều việc làm cho lao động, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH của địa phương, tiêu biểu như mô hình doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp và xây dựng cơ sở hạ tầng của CCB Lê Xuân Tựa, xã Minh Quang, doanh thu trung bình đạt 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 40 lao động; mô hình kinh doanh nước uống đóng bình của CCB Hồ Văn Hải, thị trấn Đại Đình, thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm; mô hình chăn nuôi bò sữa của CCB Trần Văn Hòa, xã Bồ Lý, thu nhập 350 triệu đồng/năm…
Chủ tịch Hội CCB huyện Tam Đảo Nguyễn Xuân Thỏa cho biết: “Toàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp, hơn 480 trang trại, gia trại do CCB làm chủ. Phát huy vai trò của CCB có kinh nghiệm, năng lực sản xuất kinh doanh làm nòng cốt để hướng dẫn, giúp đỡ các hội viên khác phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã thành lập 6 Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi, trong đó có 1 câu lạc bộ cấp huyện và 5 câu lạc bộ cấp xã, thị trấn với hơn 100 thành viên.
Với phương châm “Đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển”, giai đoạn 2019 - 2024, hội viên đã đóng góp quỹ hội với tổng số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, hội cũng vận động hội viên hỗ trợ xây 5 ngôi nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 200 triệu đồng từ quỹ “Nghĩa tình đồng đội”; vận động ủng hộ 80 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 2 nhà đại đoàn kết; ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai với số tiền hơn 200 triệu đồng; vận động hội viên đóng góp hàng trăm ngày công tham gia vệ sinh, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nông thôn mới…”.
Triển khai phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, giai đoạn 2019 - 2024, Hội CCB huyện Tam Đảo phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức 126 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 5.200 lượt hội viên; tổ chức cho hơn 300 lượt hội viên học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; tạo điều kiện cho hơn 1.900 hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đến nay đạt hơn 131 tỷ đồng…
Năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo hội viên Hội CCB huyện Tam Đảo giảm còn 0,2%, giảm 1,5% so với năm 2019.
Phấn đấu đến năm 2029 không có CCB nằm trong hộ nghèo, CCB có thu nhập khá đạt 68% trở lên, Hội CCB huyện Tam Đảo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tuyên dương và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh cho hiệu quả kinh tế cao.
Tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, khuyến khích hội viên phát triển mô hình sản xuất kinh doanh gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, mở rộng thị trường và đầu ra ổn định; tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp vào phát triển KT-XH địa phương…
Hoàng Sơn