Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Công ty Honda Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2024. Ảnh: Chu Kiều
Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 306 về cơ cấu lại nền kinh tế với 19 chỉ tiêu, 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 28 danh mục đề án, chương trình, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm.
Ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh giai đoạn 2021‑2030 đề ra 10 mục tiêu đến năm 2030, giao 32 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện và đưa ra các giải pháp có tính khoa học, sát với thực tiễn nhằm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh.
Đồng thời tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài, thiên tai, dịch bệnh; tạo lập được nền tảng khoa học công nghệ gắn với nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, hướng tới đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Năm 2024, tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục, chiến tranh khu vực tiếp tục leo thang; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường...
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời ban hành các nghị quyết quan trọng nhằm tháo gỡ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tiếp tục chú trọng thực hiện cơ cấu lại ngành, lĩnh vực.
Ngành Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. Công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử - tin học.
Sự lớn mạnh nhanh của ngành công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Ước sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tính đến hết năm 2024 đều đạt, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ như điện thoại di động đạt 101,8%, tăng 15,7%; máy tính xách tay đạt 100%, tăng 12,4%; bộ phát wifi đạt 200%, tăng 30,6%; sản xuất linh kiện điện tử đạt 102,6%, tăng 12,3%...
Đối với lĩnh vực dịch vụ, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn cùng với chợ truyền thống, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Công ty TNHH Công nghiệp Diamond (Vĩnh Yên) giải quyết việc làm ổn định cho 120 lao động, với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Chu Kiều
Cơ cấu chi ngân sách và đầu tư công, ngân sách Nhà nước được cơ cấu theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên.
Là một trong 3 trụ cột nền kinh tế, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Quân, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần duy trì được đà tăng trưởng trong nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Cơ cấu nông nghiệp có chuyển dịch tích cực, phát huy hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất tạo ra giá trị cao hơn trên một đơn vị sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm để phục vụ phát triển công nghiệp.
Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn như dưa chuột An Hòa; bí xanh, bí đỏ Vĩnh Tường, Yên Lạc; su su Tam Đảo; vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung đã thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, ớt quả, chuối tiêu hồng...
Có thể khẳng định, tái cơ cấu nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn.
Quy mô GRDP của tỉnh tăng dần theo từng quý. Vượt qua các khó khăn, thách thức, quý III/2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh có sự phục hồi trở lại, ước tăng trưởng đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 10 toàn quốc, qua đó đưa tốc độ tăng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95% so với cùng kỳ (đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,16%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 11,69%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,21%; thuế sản phẩm ước tăng 2,41%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hiện nay tăng thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng; việc cơ cấu lại, phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiếu bền vững, chưa tạo ra được những ngành Công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao; sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế...
Để tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và tạo tiền đề xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026-2030, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.
Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh để huy động tối đa các nguồn lực, tập trung đầu tư đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông và đa mục tiêu.
Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đến năm 2030.
Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghiệp sản xuất robot, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, công nghiệp vật liệu mới.
Chuyển dịch mạnh từ loại hình phân phối truyền thống sang các loại hình phân phối hiện đại, hình thành các trung tâm logistics.
Về nông nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch và chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo đột phá về năng suất, chất lượng...
Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng tích cực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Văn Cường