Ta đến Cao Bằng vào một ngày thu trong vắt. Là người con của mảnh đất trung du, ta mang trong mình sự háo hức, mong đợi được đặt chân tới đây, cảm nhận thật sâu sắc về vùng biên giới Đông Bắc của Tổ quốc mình - một Cao Bằng vút cao…
Trong hai ngày rưỡi, Cao Bằng ta ngắm nhìn tất nhiên không đủ đầy nhưng là những cảm nhận nhỏ về vùng đất và con người nơi đây, như một bài ca hòa chung vào tình yêu với Cao Bằng, với quê hương bao la, rộng lớn.
Trên suốt dọc đường đi, xen kẽ những thửa ruộng xanh tốt là những ngôi nhà nhỏ nép mình vào bóng núi, dáng cây. Mỗi ngôi nhà vùng biên này rực rỡ những lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng tươi thắm. Đó mãi mãi là niềm tự hào lớn lao, là hình bóng của bao thế hệ, lớp lớp người Việt Nam kiên cường cùng nhau giữ từng tấc đất bờ cõi.
Ta tự hào tới thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pắc Bó - Nơi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về “hôn lên hòn đất” với niềm xúc động lớn. Hơn 4 năm ở và làm việc tại đây, Bác cùng các đồng chí vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn bộn bề dựng xây căn cứ địa lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi.
“Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà”
(Pắc-Pó hùng vĩ - Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Núi Các Mác sừng sững oai nghiêm, xanh thăm thẳm; suối Lê-nin, gọi theo tiếng Tày là “Khuổi Giàng”, nghĩa là “suối trời” màu xanh như ngọc, trong vắt nhìn thấy tận đáy, róc rách chảy đêm ngày. Và như vẫn còn đây ý chí kiên trung, tinh thần quật cường, không khuất phục trước bất kỳ gian khổ nào của vị lãnh tụ kính yêu.
Ta rơi nước mắt khi thấy khung cảnh hang Cốc Pó - nơi Bác hằng ngày làm việc quân, chiếc giường đơn sơ Người nằm, bộ bàn ghế đá “chông chênh dịch sử Đảng”, vườn trúc xanh tươi Bác trồng, cây ổi Bác tự tay chăm, hái lá đun nước uống hàng ngày, bờ suối Bác ngồi câu cá sau những giờ làm việc căng thẳng…
Từng dáng cây, bóng núi, tiếng chim hót, tiếng suối chảy, vệt nắng lung linh qua kẽ lá đều in bóng Bác. Có phải Bác đang cười, đang vẫy chào, tin tưởng Nhân dân bằng tất cả tình thương yêu sâu đậm, bằng niềm tin sắt son dân tộc ta sẽ ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…
Ta tới thác Bản Giốc vào buổi chiều nắng thu đổ vàng khắp các nẻo đường. Bản Giốc mùa này như một bức tranh phong thủy hữu tình đủ sức mê hoặc bất cứ ai. Là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm trên đường biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc trải rộng cả trăm mét, từng tầng thác nối tiếp nhau tuôn nước ào ạt, bọt tung trắng xóa.
Nước dòng sông Quây Sơn trong vắt, trong nắng thu hiện ra màu xanh ngọc bích đặc trưng. Trên mặt sông, với lượng nước từ thác dội xuống ào ạt, hơi nước hình thành những màn sương mờ ảo, cộng với ánh nắng phản chiếu tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo. Cảnh sắc ấy đủ sức làm choáng ngợp, say mê bao du khách.
Bên cạnh thác, những thửa ruộng bậc thang lúa đến độ chín vàng, đặt cạnh màu xanh của dòng nước, màu trắng xóa của thác nước dội xuống tạo nên khung trời hùng vĩ nhưng cũng quá đỗi yên bình, khiến bất cứ người dân Việt nào khi được ngắm nhìn cũng sẽ say mê, dấy lên niềm tự hào lớn lao về quê hương, đất nước mình.
Đến thác Bản Giốc, ai ai cũng sẽ cảm nhận được niềm thiêng liêng Tổ quốc ta, nỗi xúc động đất quê ta mênh mông… Ta đã, đang và sẽ đem mọi sức mạnh vốn có để bảo vệ quê hương, sự bảo vệ ấy tự nhiên như hơi thở, như ta bảo vệ mẹ cha, con cái, thôn xóm, bản làng mình.
Ta mải mê ở làng đá cổ Khuổi Ky, trong tiếng Tày, “Khuổi Ky” là “dòng suối nhỏ”. Và quả thực ngay đầu làng đá Khuổi Ky có con suối nhỏ chảy quanh hiền hòa, làng tựa vào núi đá vững chãi, bao đời nay bình yên sinh sống. 100% người dân trong làng thuộc dân tộc Tày. Trong quan niệm của người Tày, “Đá là trung tâm vũ trụ. Con người sinh ta từ đá và chết sẽ hóa thành đá. Đá cũng chính là khởi nguồn của sự sống”, người dân nơi đây sống bám đá, mất đi về với đá.
Làng hiện có 14 ngôi nhà cổ xây bằng đá. Từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”, từ năm 2016, người dân làng đá Khuổi Ky tham gia mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Một cụ bà 83 tuổi, đẹp lão, mắt nheo cười, ngồi cạnh những gié lúa vàng ươm, chắc nịch, bảo với ta rằng: Nhà bà ở dưới, trên tầng gác cho người ta thuê ở chung vui lắm, có chỗ ăn ngủ rộng rãi.
Đêm vùng biên Cao Bằng tịch mịch, gió thu mát lịm, ta cảm nhận thật sâu luồng sinh khí mới mà đất trời nơi đây mang lại. Khi trở về, chắc chắn ta sẽ mang theo nhiều nỗi nhớ với nơi này. Và rồi, như thể có một Cao Bằng khác khi ta về đến thành phố.
Phố đi bộ Kim Đồng náo nức đèn hoa, các hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi, giữ gìn được bản sắc và đan xen cả những nét văn hóa hiện đại. Trong đêm đi dạo, người dân thân thiện chụp giúp ta tấm ảnh kỷ niệm mang về xuôi làm quà…
Ta gặp một Cao Bằng phát triển, một Cao Bằng vút cao đầy tự hào trong gìn giữ biên cương Tổ quốc, trong dựng xây quê hương ngày một thay da đổi thịt, đi lên mạnh mẽ không ngừng.
Ngô Ngọc Nhâm
(Hội Nhà báo tỉnh)