Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Chính phủ hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Đây là dự thảo luật được đông đảo cử tri quan tâm, đặc biệt là các nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước nói chung cũng như tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo động lực để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.
Cần kíp, kịp thời
Theo thống kê năm 2023, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong khối giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước, riêng lĩnh vực giáo dục chiếm đến 80%, biên chế của ngành chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.
Dù nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất với tính chất nghề nghiệp đặc thù, nhưng hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và nhiều văn bản liên quan.
Điều đáng nói là những văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò, tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả viên chức ở tất cả lĩnh vực nghề nghiệp khác. Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ, thống nhất.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, quy định về những nội dung cơ bản nhằm cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95 của Chính phủ. Bao gồm định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Dự thảo luật dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới. Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng một dự thảo luật riêng về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật về nhà giáo hiện hành, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, tạo động lực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho ngành Giáo dục của đất nước.
Chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo thời gian qua như các quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo được ban hành nhiều, song chưa bảo đảm được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp, vẫn còn tình trạng chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn; chưa có sự thống nhất trong quản lý, không đảm bảo sự bình đẳng trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với các nhà giáo; còn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu, thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông tại nhiều địa phương…
Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… cũng chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo. Đời sống của nhiều nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng nghề. Tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ, giáo viên mầm non…
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: "Để kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà giáo phát triển trong thời gian tới, góp phần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, thích ứng được với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết".
Nhiều tâm tư nguyện vọng
Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng với nhiều chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhiều ý kiến kỳ vọng Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, thúc đẩy phát triển đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo cống hiến và gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo, cô Trần Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Hòa, huyện Lập Thạch cho biết: "Dự thảo Luật Nhà giáo đã có những quy định cụ thể, đầy đủ nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ nhà giáo, như định danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; những hành vị bị nghiêm cấm cùng với các quy định về xử lý vi phạm…
Trong dự thảo Luật Nhà giáo, tôi đặc biệt quan tâm đến toàn bộ nội dung về chính sách cho nhà giáo như vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; các chính sách hỗ trợ nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau… Đặc biệt, tôi cũng như rất nhiều nhà giáo đều mong muốn trong dự thảo luật tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên bởi đây là chính sách rất nhân văn dành cho giáo viên. Khoản phụ cấp này vừa góp phần cải thiện cuộc sống, vừa mang ý nghĩa động viên đối với các nhà giáo".
Quan tâm đến quyền lợi, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên trường học, thầy giáo Phan Hồng Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Dương chia sẻ: "Luật Nhà giáo được ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Tôi cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo khi ra đời nếu đảm bảo được chất lượng tốt, tính khả thi sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới.
Tôi rất mong dự thảo Luật Nhà giáo lần này quan tâm, bổ sung quy định cụ thể đối với lực lượng nhân viên trường học gồm nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư, kế toán, y tế, giáo vụ, tư vấn học đường, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng… Họ là những người thầm lặng góp công sức lớn để các cơ sở giáo dục có thể hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, họ luôn thiệt thòi về các chế độ lương, phụ cấp (gần như không có), thời gian làm việc, xét thi đua, khen thưởng...".
“Tôi mong muốn pháp luật về nhà giáo khi được xây dựng thành một đạo luật riêng sẽ mang tính nhân văn cao hơn, với những chính sách, chế độ xứng đáng để các nhà giáo và đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người" - thầy giáo Phan Hồng Hiệp chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ