Năm học 2025 - 2026 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có sự thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Hiện tại vẫn chưa có phương án tuyển sinh, do đó, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đều rất quan tâm, lo lắng không biết kỳ thi sẽ ra sao, cách thức thi như thế nào và làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này?
Cô và trò Trường THCS Trung Hà (Yên Lạc) trong giờ ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Có con đang học lớp 9, chị Nguyễn Thị Dung, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) rất quan tâm đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trong năm học tới. Chị Dung cho biết: “Chương trình GDPT 2018 với phương pháp dạy học mới, nhiều nội dung giáo dục mới, có các môn tích hợp Khoa học tự nhiên (gồm kiến thức 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và môn Lịch sử - Địa lý, cách kiểm tra đánh giá mới…
Vì vậy, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác rất lo lắng khi chưa biết phương án thi và hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 như thế nào. Tôi mong muốn ngành Giáo dục sớm công bố phương án thi để các con có sự chuẩn bị tâm lý và học tập, ôn luyện hiệu quả nhất”.
Em Đỗ Văn Bảo, lớp 9C, Trường THCS Trung Hà (Yên Lạc) chia sẻ: “Thời điểm này chúng em vẫn chưa biết các môn thi, phương thức thi, hình thức thi nên khá lo lắng. Hiện tại, chúng em vẫn học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của thầy, cô giáo và tăng cường tích lũy vốn sống, ôn luyện các dạng bài tập thực tế, ứng dụng vào cuộc sống”.
Hiện tại, có nhiều ý kiến đề xuất các phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; trong đó có 2 phương án thi chính: Phương án thi 3 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 môn lựa chọn; phương án thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Đối với trường THPT chuyên, sẽ thi thêm môn chuyên.
Về cách tính điểm, môn Ngữ văn, Toán tính điểm hệ số 2, các môn còn lại tính điểm hệ số 1. Đề xuất hình thức thi môn Toán trắc nghiệm 20%, tự luận 80%; môn Ngữ văn trắc nghiệm 20%, tự luận 80% hoặc thi tự luận 100%; các môn lựa chọn trắc nghiệm 100%, riêng môn tiếng Anh trắc nghiệm 50%, tự luận 50%...
Khảo sát ý kiến của nhiều giáo viên và học sinh cho rằng mỗi phương án thi sẽ có những lợi thế và khó khăn riêng, trong đó, phương án thi 3 môn giảm áp lực cho học sinh, thi môn tiếng Anh phù hợp và cần thiết để bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế.
Phương án thi 4 môn yêu cầu học nhiều môn nên có thể gây áp lực cho học sinh nhưng đảm bảo việc đánh giá toàn diện hơn; việc thi các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý thuận lợi cho học sinh bởi khi lên bậc THPT các phân môn trong môn tích hợp lại tách thành các môn riêng để phục vụ cho định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các em, tuy nhiên, nhiều học sinh và giáo viên băn khoăn cho rằng sẽ ít học sinh chọn môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên bởi đây là môn học khó đối với một số em; hình thức thi trắc nghiệm bao quát rộng kiến thức nhưng hình thức thi tự luận giúp học sinh phát triển tư duy, ngôn ngữ…
Đáp ứng với lộ trình cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường phát huy tinh thần chủ động, xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch giáo dục, đảm bảo chất lượng từng môn theo đúng tinh thần, mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Thầy giáo Bùi Minh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hà (Yên Lạc) cho biết: “Bám sát Chương trình GDPT 2018, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá ở tất cả các môn để đảm bảo truyền tải kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Giáo viên môn Toán nỗ lực giảng dạy học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản, đồng thời, hướng dẫn các em những bài toán thực tế nhằm đáp ứng đề thi Toán có các bài ứng dụng vào đời sống.
Đề thi môn Ngữ văn có thể không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, do vậy, giáo viên cần mở rộng các ngữ liệu bên ngoài, hướng dẫn học sinh tích lũy kiến thức xã hội, vốn sống và kỹ năng làm bài… Các giáo viên đều mong muốn sớm ban hành phương án thi và đề thi minh họa để chủ động giảng dạy, ôn tập cho học sinh”.
Theo nhiều chuyên gia, các phương án thi cần phải được thiết kế để đồng bộ với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, tránh tình trạng "học một đường, thi một nẻo"; kỳ thi phải đánh giá được hiệu quả dạy và học, đảm bảo sự khách quan, minh bạch, công bằng và toàn diện; đề thi gồm cả kiến thức cơ bản và chuyên sâu để phân hóa học sinh; xây dựng ngân hàng câu hỏi đa dạng, phong phú, đảm bảo tỷ lệ trắc nghiệm, tự luận theo quy định, có cấu trúc rõ ràng, hướng vào mục tiêu đánh giá chính xác và khách quan năng lực của học sinh. Đặc biệt, cần nhanh chóng công bố phương án thi và đề minh họa để giáo viên, học sinh chủ động dạy và học hiệu quả...
Đồng chí Trịnh Văn Mừng, Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT cho biết: “Khi Bộ GDĐT ban hành thông tư về quy chế tuyển sinh trung học theo Chương trình GDPT 2018 và căn cứ vào việc rà soát, đánh giá, nghiên cứu tình hình thực tiễn, Sở GDĐT dự kiến thống nhất chốt phương án tại cuộc họp chuyên môn vào cuối tháng 9/2024.
Sau đó sẽ đề xuất với UBND tỉnh ban hành phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp, đảm bảo mục tiêu của chương trình là công bằng, chính xác trong đánh giá học sinh; giảm áp lực cho học sinh, thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh; nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường THPT”.
Bài, ảnh: Minh Hường