Với tư duy quyết tâm đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt khó, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực, nhất là về phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Khu đô thị Nam Vĩnh Yên được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, tạo diện mạo mới cho thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Thế Hùng
Tận dụng lợi thế là cửa ngõ, cầu nối giữa các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trên trục hành lang kinh tế quan trọng Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc), Vĩnh Phúc xác định “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng” để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn phát triển kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin.
Năm 2023, UBND tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 30 nghìn văn bản, tổ chức hơn 600 cuộc họp để quán triệt, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ban hành hơn 19 nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo gồm 3.147 quyết định, 53 quyết định quy phạm pháp luật, 355 kế hoạch và hàng chục nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện.
Giai đoạn 1997-2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 13,27%/năm. Riêng năm 2022, vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh phục hồi, tăng trưởng ấn tượng với GRDP đạt 9,54%, cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Riêng năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất của cả nước có tăng trưởng âm trong quý I nhưng đã lấy lại được đà tăng trưởng ở các quý tiếp theo, đưa GRDP cả năm tăng 2,37%. 8 tháng năm 2024, kinh tế khởi sắc ở cả 3 khu vực là kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế FDI. Hiện, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%; ngành dịch vụ chiếm 30,14%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,71%.
Tạo đột phá phát triển kinh tế, tỉnh tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt các tuyến giao thông liên tỉnh kết nối Vĩnh Phúc với Hà Nội, Thái Nguyên; xây dựng mới, nâng cấp các tuyến giao thông chính có tính chất tạo động lực cho phát triển như tuyến Nội Bài - Phúc Yên, hoàn thiện tuyến trục Bắc - Nam; đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô và tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc Lộ 2C và Tuyên Quang; đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng…
Qua đó tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng.
Trước những thời cơ và vận hội mới, tỉnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.Toàn tỉnh có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III.
Hiện thực hóa mục tiêu Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng; tăng cường kết nối tỉnh với các đô thị, các đầu mối hạ tầng thông qua các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Xây dựng chiến lược liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ như dịch vụ vận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe... tạo giá trị gia tăng cho du lịch địa phương; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế có tính chất điểm nhấn; khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập.
Từ đó mở ra những cơ hội mới đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những cực phát triển, hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp hiện đại và chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.
Mai Liên