Thời đại công nghệ số phát triển, việc kinh doanh, mua bán trực tuyến thông qua các trang điện tử đã trở thành thói quen hằng ngày của nhiều người. Thương mại điện tử đã trở thành hình thức mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, tuy nhiên cách thức mua, bán này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi một số người bán hàng đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lực lượng Quản lý thị trường nắm bắt địa bàn, triển khai nhiều giải pháp giám sát, đấu tranh xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500 sản phẩm thương mại được bày bán tại các sàn thương mại điện tử. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của tỉnh đạt hơn 543 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ mua hàng trực tuyến của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố; số thương nhân có giao dịch thương mại điện tử của tỉnh là hơn 3.000 người, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì hoạt động thương mại điện tử cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng thị trường một cách lành mạnh. Hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử vì buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu…
Ngày 18/12/2023, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Đào Việt Bắc tại tổ dân phố Tân Chiền, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang trưng bày bán 1.745 sản phẩm, hàng hóa là quần áo, giày dép có gắn nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng nhãn hiệu được gắn trực tiếp lên sản phẩm không thể tách rời hàng hóa; nhãn hiệu có phông chữ (font), cỡ chữ (font size), đường chỉ không đúng với quy cách và tiêu chuẩn của chủ sở hữu các nhãn hiệu; không có mã code riêng cho từng sản phẩm; giá bán sản phẩm tại cửa hàng rẻ hơn nhiều so với hàng hóa chính hãng.
Đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được tài liệu, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh và xử lý theo quy định.
Ngày 20/5/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, tạm giữ gần 25.000 sản phẩm nhập lậu bán qua kênh thương mại điện tử.
Theo đó sau khi thẩm tra, xác minh thông tin, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên tại thôn Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên đang kinh doanh, bày bán hàng hóa tại cửa hàng phụ kiện điện thoại Kiên Huệ và thực hiện đăng bài bán hàng ốp điện thoại, kính cường lực điện thoại trên trang Facebook của ông Nguyễn Văn Kiên (Facebook Nguyễn Kiên…).
Hàng hóa đang kinh doanh và lưu kho gồm 17 nghìn ốp điện thoại di động, 6 nghìn miếng dán cường lực của nhiều nhãn hàng khác nhau có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa hơn 200 triệu đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ hàng hóa vi phạm đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên ở xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường.
Làm việc với lực lượng chức năng, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ hàng hóa vi phạm, trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh xem xét, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Đó là 2 trong số rất nhiều những vụ vi phạm được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và ngăn chặn nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 5 cùng Tổ công tác về thương mại điện tử đã kiểm tra, phát hiện hơn 20 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; không bổ sung hồ sơ thông báo liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến theo quy định.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường mạng, cuối năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng Chi nhánh Bưu chính Viettel Vĩnh Phúc ký thỏa thuận hợp tác phối hợp kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật gửi qua đường bưu chính trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm bắt địa bàn, triển khai nhiều giải pháp giám sát và đấu tranh xử lý vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm trong thương mại điện tử.
Cùng với đó, đơn vị đang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; phối hợp với các cơ quan, đơn vị đang quản lý các doanh nghiệp có sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Zalo... để đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp, cá nhân có các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh bán hàng qua mạng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền quy định phải thông báo hoặc đăng ký website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng để các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định. Qua đó, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Thiệu Vũ