Cùng với tham quan, nghỉ dưỡng, xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa dân gian của một vùng, địa phương đang hấp dẫn nhiều du khách. Với nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống nhân văn hấp dẫn, phong phú, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng khai thác lợi thế độc đáo của văn hóa dân gian để phục vụ phát triển du lịch.
Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) thu hút du khách, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Ảnh: Chu Kiều
Vốn quý của du lịch
Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời.
Toàn tỉnh có hơn 500 di tích đã được xếp hạng với 4 di tích - cụm di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích quốc gia và hơn 400 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh đó là hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với những đại diện tiêu biểu đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như ca trù, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, nghi lễ và trò chơi Kéo Song.
Ngoài các di tích, di sản đã được xếp hạng và công nhận, tỉnh còn có hệ thống các nghề truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian của cộng đồng 41 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Điều đó đã tạo cho Vĩnh Phúc một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc, trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
Việc khai thác các giá trị văn hóa dân gian vào phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang mang lại những kết quả tích cực.
Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng không thể không nhắc tới là văn hóa tâm linh với điểm nhấn tiêu biểu là khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên (Khu danh thắng Tây Thiên) cùng tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên. Du khách đến với di tích này vừa được đáp ứng nhu cầu tâm linh, đồng thời được chuyển tải các giá trị nhân văn, công lao của Quốc mẫu.
Hệ thống di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên cùng với quần thể di tích mang yếu tố Phật giáo và cảnh quan hữu tình trong Khu du tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên đã góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của huyện Tam Đảo với tổng lượng khách đến Tây Thiên hàng năm đạt trên 1 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch khai thác yếu tố văn hóa dân gian dần hình thành và phát triển như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề... bắt đầu nhận được sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh nhà.
Năm 2023, du lịch Vĩnh Phúc đón trên 9 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm trước. Tổng doanh thu du lịch đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và vượt 0,2% so với kế hoạch năm.
Hướng tới phát triển bền vững
Việc dựa vào yếu tố văn hóa dân gian để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù góp phần mang lại cho các địa phương sức hấp dẫn riêng. Điều này làm cho du lịch Vĩnh Phúc vượt qua các sản phẩm “na ná” của du lịch cả nước.
Tuy nhiên, quá trình khai thác yếu tố văn hóa dân gian trong xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch vẫn còn gặp không ít thách thức.
Công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Một số di tích trên địa bàn tỉnh xuống cấp nhanh dưới tác động của thời tiết, khí hậu, thiên tai và các tác nhân xâm hại khác.
Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, người dân địa phương và doanh nghiệp du lịch về vai trò của di sản văn hóa, vai trò công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế.
Các không gian làng nghề của tỉnh bị phá vỡ bởi sự phát triển manh mún, thiếu tập trung và chưa có sự liên kết đồng bộ giữa doanh nghiệp du lịch và người dân tại các làng nghề.
Trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng “Dịch vụ chất lượng - sản phẩm khác biệt - hiệu quả bền vững”. Cụ thể là vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Với mục tiêu đó, bên cạnh công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm du lịch hiện có, phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... tạo sự hấp dẫn đối với khách du lịch; quan tâm phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch.
Đồng thời tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Vĩnh Phúc trong và ngoài nước, định vị thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của Vĩnh Phúc.
Nguyễn Hường