Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Hồng Châu (Yên Lạc) đã đưa nhiều cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao vào trồng thử nghiệm và nhân rộng. Trong đó, việc thực hiện tốt liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mô hình trồng cây gai xanh lấy sợi của gia đình ông Trương Văn Thành đang nhận được nhiều sự quan tâm bà con nông dân, mô hình hứa hẹn mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Mô hình trồng cây gai xanh của gia đình ông Trương Văn Thành cho thu nhập cao hơn 3-4 lần so với trồng ngô. Ảnh: Thế Hùng
Một vốn bốn lời
Cuối năm 2022, sau khi được đi thăm quan học tập mô hình trồng cây gai xanh ở tỉnh Thanh Hóa, ông Trương Văn Thành, xã Hồng Châu đã quyết định dành 9 sào đất ruộng để triển khai mô hình trồng cây gai xanh lấy sợi. Cây gai xanh bén rễ, thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng trên đồng đất Hồng Châu với tỷ lệ sống cao, sinh trưởng nhanh. Đầu năm 2023, ông Thành tiếp tục mở rộng diện tích trồng gai xanh thêm 3 sào lên 1,2 mẫu.
Khác với nhiều loại cây truyền thống ở địa phương, cây gai xanh có giá trị sử dụng cao, vỏ của thân cây được sản xuất thành sợi dệt vải, lá cũng được sử dụng để làm bánh gai. Thân cây sau thu hoạch được bỏ lại ruộng cũng trở thành nguồn phân hữu cơ tự nhiên giúp cải tạo đất rất tốt. Ngoài ra, đây cũng là giống cây dễ trồng, ít sâu bệnh không tốn quá nhiều công chăm sóc, phù hợp với cả lao động lớn tuổi.
Đặc biệt, đây cũng là giống cây chỉ cần trồng một lần cho thu hoạch trong nhiều năm. Ông Thành cho hay: “Chi phí cho giống, phân bón lót, công làm đất, xuống giống ban đầu chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng/sào. Sau khi xuống giống chỉ 90 ngày cây gai xanh đã cho thu hoạch lứa vỏ gai đầu tiên, sau đó, cứ 45 ngày lại cho thu lứa tiếp theo. Càng về sau, năng suất vỏ gai càng cao”.
Mặc dù mới trồng cây gai xanh từ cuối năm 2022 đến nay, nhưng ông Thành khẳng định đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, bởi ngay từ khi bắt tay vào triển khai mô hình, ông đã được Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước, tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng bao tiêu vỏ gai trong 10 năm với giá ổn định 47 nghìn đồng/kg.
Năm 2023, sau khi trừ chi phí, ông Thành đã lãi hơn 6 triệu đồng/sào từ bán cây gai xanh. Cũng theo ông Thành, lợi nhuận từ trồng cây gai xanh cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cây ngô truyền thống. Sau thành công trong năm đầu tiên, hiện ông Thành đang tập trung nhân lực, vật lực, tiếp tục trồng mở rộng thêm 2 ha cây gai xanh. Dự kiến công tác xuống giống sẽ hoàn tất trong vụ Xuân 2024.
Triển vọng nhân rộng
Mặc dù những năm gần đây, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã Hồng Châu diễn ra khá tích cực. Nhiều giống cây trồng đã được đưa vào trồng thử nghiệm như chuối tiêu hồng, bưởi diễn, hoa, cây cảnh, cây dược liệu…
Tuy nhiên, không phải cây trồng mới nào cũng cho hiệu quả kinh tế như mong muốn. Đặc biệt, khi vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn luôn là bài toán khó đối với người nông dân. Do đó, mô hình trồng cây gai xanh lấy sợi theo chuỗi giá trị của ông Trương Văn Thành đang nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như bà con nông dân trong xã.
Ông Hoàng Văn Chung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Yên Lạc cho hay: “Trên cơ sở mô hình của gia đình ông Thành, Trạm Khuyến nông huyện đã khảo sát, tham mưu UBND huyện Yên Lạc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình Khuyến nông năm 2024, trong đó mô hình sản xuất cây gai xanh lấy sợi theo chuỗi giá trị dự kiến được triển khai với diện tích 3ha”.
Theo đó, ngay đầu năm 2024, Trạm Khuyến nông huyện Yên Lạc đã phối hợp với HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Tiến Mai (Vĩnh Yên) - đơn vị đầu mối cung ứng giống và thu mua vỏ gai ở khu vực Vĩnh Phúc tổ chức cho các hộ dân ở một số xã, trong đó có Hồng Châu đi thăm quan, tìm hiểu mô hình cũng như nhà máy ở tỉnh Thanh Hóa.
Đến nay, ngoài hộ ông Trương Văn Thành, Trạm Khuyến nông huyện Yên Lạc đã phối hợp với UBND xã Hồng Châu lựa chọn được 4 hộ tham gia mô hình sản xuất cây gai xanh lấy sợi theo chuỗi giá trị với diện tích đăng ký gần 2ha.
Thời gian tới, trạm cùng với chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đăng ký tham gia mô hình, đảm bảo diện tích được triển khai theo đúng kế hoạch đã đề ra là 3 ha. Được biết, các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giống và phân bón và được bao tiêu sản phẩm theo đúng cam kết từ nhà máy.
Mô hình sản xuất cây gai xanh lấy sợi theo chuỗi giá trị ở Hồng Châu hứa hẹn mở ra hướng làm kinh tế mới cho bà con trong xã, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Nguyễn Hường