Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang cung cấp 1.941 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 282 dịch vụ công mức độ 3, 1.054 dịch vụ công mức độ 4.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn kiểm tra hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công.
Là một trong những địa phương đi đầu của huyện Chiêm Hóa về chuyển đổi số, xã Tân An đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã và các tổ công nghệ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các thôn. Xã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa.
Ông Ma Doãn Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân An cho biết, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của nhân dân trong chuyển đổi số.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức sử dụng email công vụ, tài khoản sử dụng trên các phần mềm dùng chung của tỉnh. 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý. 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm hơn 25%.
Một trong những chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số là nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số. Việc thực hiện giao dịch điện tử được áp dụng trong thanh toán tiền điện, thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; thành lập các nhóm Zalo, Facebook tại các tổ liên gia, thôn dân cư.
Người dân được cán bộ Công an hướng dẫn truy cập, trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến.
Với phương châm “lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số” để từng bước hình thành công dân số, hướng đến chính phủ số, tạo sự hài lòng cao của người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang không ngừng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở vật chất.
Hiện trung tâm đã triển khai ứng dụng Zalo trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Người dân có thể cập nhật việc tiếp nhận, thẩm định, ký duyệt hồ sơ và trạng thái đã trả kết quả qua Zalo. Trung tâm thực hiện niêm yết, công khai danh mục thủ tục hành chính bằng hình thức mã QR Code của các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc triển khai thu phí, lệ phí tập trung bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, thanh toán bằng mã QR Pay miễn phí qua đó góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí thủ tục hành chính, giúp tổ chức, công dân giảm thời gian, tiết kiệm được chi phí in ấn, văn phòng phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang cho biết, xác định Trung tâm là nơi tiên phong trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số toàn diện theo chỉ đạo của tỉnh. Trung tâm đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp toàn bộ dữ liệu về thủ tục hành chính công lên phần mềm một cửa điện tử liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến. Công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Đồng thời lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo sự thành công của cải cách thủ tục hành chính.
Trong 9 tháng năm 2023, số hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là hơn 6.800 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt hơn 76%. Điều này cho thấy việc cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, nền tảng Chính quyền số (Tuyên Quang ID) đã được ra mắt và đưa vào sử dụng; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của các cơ quan nhà nước được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 50% hồ sơ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc khi sử dụng; 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được kết nối mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số…
Toàn tỉnh đã kích hoạt thành công 415.511 tài khoản định danh điện tử; có 35 hệ thống thông tin đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ về an toàn an ninh mạng và triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Do đó, cần có sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân phải luôn sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội; từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp, sử dụng trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động tăng bình quân từ 7%/năm; 100% người dân có danh tính số kèm theo mã QR Code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân;
100% học sinh, sinh viên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 1 điện thoại thông minh; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh, gửi, nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tặng hoa, biểu trưng cho các tập thể có kết quả nổi bật trong thực hiện Chuyển đổi số năm 2022.
Có thể thấy, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính trong chuyển đổi số đã giúp giảm chi phí, tạo sự hài lòng nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện, nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 48 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Văn Cường (Theo nhandan.vn)