Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cùng cơ chế chính sách ưu đãi, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã tạo được lợi thế cạnh tranh và thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến đầu tư. Qua đó nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN.
Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến hoạt động hiệu quả.
Từ 1 KCN khi mới tách tỉnh (1997) với quy mô giai đoạn 1 là 50 ha, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển 19 KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 5.487 ha. Trong đó, 16 KCN được thành lập với tổng diện tích đất quy hoạch được duyệt trên 3.168 ha và 3 KCN đang triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư (Lập Thạch I, KCN Lập Thạch II và KCN Chấn Hưng).
Hiện nay, đã có 8 KCN đi vào hoạt động gồm Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II (giai đoạn 1), Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thăng Long Vĩnh Phúc. Cơ bản các KCN được lấp đầy bởi các dự án đầu tư thứ cấp.
KCN Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên) là một trong những KCN được thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào năm 2003, sau 7 lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay, KCN có quy mô hơn 221 ha do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) làm chủ đầu tư hạ tầng.
Hiện, KCN Khai Quang dẫn đầu danh sách các KCN trên địa bàn tỉnh về thu hút đầu tư với 77 dự án đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 92%. Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN tạo việc làm cho 40.000 lao động.
Ông Nguyễn Anh Đệ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc cho biết: Để tạo sức hấp dẫn riêng cho KCN Khai Quang, chủ đầu tư hạ tầng đã đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật với trên 13 km đường nội bộ trải thảm nhựa hoặc bê tông hóa kiên cố tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt trong toàn KCN; xây dựng trạm biến áp 110/22kV công suất 126 MVA đảm bảo tốt nhu cầu sử dụng điện sản xuất trong KCN.
Nguồn nước sạch phục vụ cho KCN được cấp từ nhà máy nước sạch thành phố Vĩnh Yên với công suất tối đa đạt 32.000 m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải với 3 modul có tổng công suất 25.000 m3/ngày đêm. Hệ thống thông tin liên lạc, Internet băng thông rộng luôn đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với đó, chủ đầu tư hạ tầng đã áp dụng ưu đãi mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%; miễn 100% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, giảm 50% tiền thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới trong KCN; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa được nhập khẩu để tạo lập tài sản cố định cho dự án đầu tư mới.
Được đánh giá là một trong những KCN hiện đại, tiện ích và thân thiện với môi trường, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) đã thu hút được 73 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 900 triệu USD với sự hiện diện của nhiều thương hiệu, tập đoàn lớn như Nippon Paint Vĩnh Phúc (Nhật Bản), Vina Union, Sekonix Vina (Hàn Quốc), Datatronic (Hàn Quốc), Weldex Vina, Proctec, Polaris (Mỹ), Assa Abloy (Thụy Điển)…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, Công ty TNHH Solum Vina (KCN Bá Thiện II) vẫn tìm được lối đi riêng, hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho gần 3.000 lao động với thu nhập khá. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển dự án của Công ty cổ phần Vina CPK, sức hấp dẫn của KCN Bá Thiện II, ngoài vị trí thuận lợi, cách cao tốc Nội Bài - Lào Cai khoảng 6 km, Cảng cạn ICD khoảng 3km, Sân bay quốc tế Nội Bài 20km và cơ sở hạ tầng của KCN được đầu tư đồng bộ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, chủ đầu tư hạ tầng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá thuê đất phù hợp với diện tích và vị trí mà nhà đầu tư lựa chọn.
Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đầu tư trong thời gian ngắn nhất; hỗ trợ nhà đầu tư tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư với chi phí và thời gian hợp lý; cung cấp cho nhà đầu tư những tiện ích như an ninh, phòng cháy chữa cháy, kho vận, bảo dưỡng bảo trì, cửa hàng tiện ích, ngân hàng, bưu chính viễn thông… đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trong KCN.
Với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh nói chung và các công ty đầu hạ tầng nói riêng, đến hết tháng 9/2023, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 468 dự án đầu tư, trong đó có 107 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 32 nghìn tỷ đồng và 361 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 6,2 tỷ USD.
Các dự án đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các tập đoàn lớn như Sumitomo, Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn, Compal… Giai đoạn 2018 - 2023, bình quân mỗi năm có từ 25 - 30 dự án tăng vốn với số vốn từ 180 - 300 triệu USD.
Hằng năm, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 60% - 65% giá trị sản xuất công nghiệp, 60 - 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu; nộp ngân sách chiếm 75 - 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; tạo việc làm cho trên 120.000 lao động.
Tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư hạ tầng có tiềm năng để hướng tới các KCN đã quy hoạch nhằm nâng cao giá trị, tỷ lệ thu hút đầu tư.
Mai Liên