Theo thống kê, giáo dục công lập của tỉnh đang thiếu hơn 1.130 giáo viên theo biên chế giao, thiếu gần 3.570 giáo viên theo định mức của Bộ GDĐT. Riêng khối phòng GDĐT cấp huyện, thành phố, hiện thiếu 3.287 biên chế theo định mức, chiếm 92% toàn tỉnh. Hiện khối này còn 1.229 chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng.
Thiếu giáo viên, Trường THCS Hùng Vương, thành phố Phúc Yên phải hợp đồng giáo viên môn Toán giảng dạy. Ảnh: Minh Hường
Trong khi tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại hầu hết ở các bậc học thì công tác tuyển dụng giáo viên lại diễn ra chậm. Đến nay, mới có 3 huyện là Vĩnh Tường, Lập Thạch, Bình Xuyên đang thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS với tổng chỉ tiêu 312, trong đó 25 chỉ tiêu thu hút và 287 chỉ tiêu thi tuyển.
Riêng huyện Yên Lạc đang đề nghị thẩm định kế hoạch tuyển dụng, dự kiến xét tuyển và thu hút 92 chỉ tiêu (35 chỉ tiêu mầm non, 57 chỉ tiêu tiểu học), trong khi đó, số chỉ tiêu được tỉnh giao cho huyện vẫn còn nhiều hơn chỉ tiêu dự kiến tuyển nêu trên. Cụ thể: Mầm non còn 56 chỉ tiêu, tiểu học còn 75 chỉ tiêu và THCS còn 18 chỉ tiêu.
5 huyện, thành phố chưa thực hiện việc tuyển bổ sung giáo viên mầm non, tiểu học, THCS còn thiếu theo chỉ tiêu biên chế được giao đó là Phúc Yên (83 chỉ tiêu), Sông Lô (75 chỉ tiêu), Tam Dương (115 chỉ tiêu), Tam Đảo (55 chỉ tiêu), Vĩnh Yên (147 chỉ tiêu).
Theo đại diện các phòng GDĐT, khó khăn lớn nhất của các đơn vị là không có nguồn tuyển giáo viên. Vì vậy, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên của các đơn vị hiện nay là tăng cường, biệt phái giáo viên giữa các trường; tìm nguồn hợp đồng giáo viên; bố trí giáo viên dạy tăng tiết… để đảm bảo các hoạt động giáo dục.
Thúy Nga