Từ xa xưa, khi nhắc đến đêm hội trăng Rằm hay Tết Trung thu là gợi nhắc đến câu chuyện cổ tích chị Hằng, chú Cuội, mà tin chắc rằng, đứa trẻ nào cũng đều nằm lòng; là gợi về hình ảnh những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao, đoàn múa lân, múa sư tử rộn ràng khắp ngõ xóm, đường làng…
Nhịp sống thay đổi từng ngày, lễ hội cổ truyền Tết Trung thu cũng đã có nhiều đổi mới. Trong niềm vui, có không ít khoảng lặng của biết bao thế hệ đã đi qua nhiều mùa Trung thu... Tuy nhiên, trong sự thay đổi để thích nghi, nhiều nét xưa của ngày hội cổ truyền dân tộc vẫn được các thế hệ tiếp tục gìn giữ, phát huy.

Cô và trò Trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên cùng làm những chiếc đèn Trung thu đầy sáng tạo, ngộ nghĩnh
Cách đây vài chục năm, cảm giác như Rằm Trung thu không phải chỉ có duy nhất một đêm. Bởi vì, không khí chuẩn bị, sự háo hức mong chờ… đến rất sớm, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 8 mùa Thu. Những “nghệ nhân nhí” háo hức làm những chiếc đầu lân theo cách thủ công và hoàn toàn bằng những nguyên liệu tận dụng từ giấy, bút màu, nilon… thậm chí là những chiếc bao tải đã qua sử dụng cũng được tái chế.
Hồi đó không phải học bán trú, nên bọn trẻ một buổi tới trường, một buổi được nghỉ thì tụ tập làm lân. Rồi luyện nhảy, luyện múa sao cho đẹp mắt, để đến hội, được nhiều gia chủ mời vào nhà biểu diễn. Tiền thưởng đôi khi chỉ một vài nghìn đồng nhưng vai diễn “ông Địa” lúc nào cũng tươi cười hớn hở, không ngừng phe phẩy chiếc quạt trên tay.
Cả làng có khi cũng chỉ có một vài đội lân, nhưng đi đến đâu là đoàn người theo chân đến đó, chật kín cả đường ngõ. Thậm chí những nhà có cổng rào bằng tre hoặc hàng hoa, sẽ chỉ còn lại cảnh tiêu điều, trơ trụi sau đêm lân đến múa. Thế nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ trong lòng, không nửa lời trách móc.
Cứ thế, những con lân mang “đẳng cấp làng” cứ nhảy múa khắp các thôn xóm kéo theo đoàn người hò reo, cổ vũ… hẳn cả tuần trước khi vào chính hội. Thế mà chẳng đứa trẻ nào thấy nhàm chán. Tối tối, cơm nước xong, đứa nào cũng tranh thủ học bài rồi ngồi chờ tiếng trống của đoàn múa lân vang lên và chạy theo.
Gần đến ngày chính hội, đứa nào đứa nấy đều háo hức đi tìm những thanh tre về vót tỉ mỉ để làm đèn ông sao. Năm cánh sao được dán bởi những lớp giấy vở học được tô lên một lớp màu sáp hoặc được lấy từ loại giấy màu gói bánh, oản. Kỳ công là thế nhưng đến lúc thử đèn, có đứa bất cẩn khiến đèn bị cháy một phần. Thế là thút thít khóc...
Còn cái món bánh Trung thu thì… thật là xa xỉ. Quà Trung thu hồi ấy là những chiếc bánh kẹo được các bà, các cô trong xóm chia đều vào túi nhỏ rồi mang đến từng nhà phát cho các cháu. Thế nhưng món quà giản dị đó cũng đủ để bọn trẻ con vui suốt một mùa trăng…

Với sự tạo hình khéo léo, mâm ngũ quả đã được "biến hình" đầy hấp dẫn
Nhắc lại một chút kỷ niệm để nhớ về ký ức tuổi thơ khó quên trong những mùa Trung thu cũ. Đêm hội trăng Rằm bây giờ, có ai đó bảo rằng tuy nhộn nhịp, náo nhiệt nhưng có chút buồn hơn. Thì thôi, đó là do sự tự cảm ở mỗi người. Điều kiện kinh tế phát triển, cuộc sống đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, các cấp, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã thường xuyên quan tâm, chăm lo cho thế hệ “măng non”.
Đặc biệt là dịp Tết Trung thu, nhiều địa phương đã tổ chức các chương trình ý nghĩa, trong đó có lễ hội rước đèn thật sinh động, hấp dẫn và bắt mắt. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phát động cuộc thi làm đèn lồng và trang trí mâm cỗ trông trăng, góp phần phát huy sự sáng tạo, khéo léo của các em học sinh. Qua đó, giáo dục về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Không thể phủ nhận rằng, Trung thu bây giờ cũng đã tràn ngập sắc màu “thương mại hóa”. Những chiếc đèn lồng làm sẵn với đa dạng mẫu mã, nhấp nháy ánh điện sáng ngời, sẵn cả điệp khúc “Tùng dinh dinh…” đã được cài đặt bày bán ngập tràn trên phố. Những đầu lân, đầu sư tử, bộ gõ trống, mặt nạ ông địa… cũng phong phú không kém. Bánh nướng, bánh dẻo với hàng chục nhãn hiệu cho người mua tha hồ lựa chọn.
Cái gì cũng sẵn, chỉ cần “xuống tiền” là đã có thể rước cả mùa Trung thu về nhà. Nhưng nếu bạn ngồi xuống, cùng làm với con bạn một chiếc đèn lồng, tin chắc rằng, bạn sẽ tìm thấy thêm những niềm vui mới. Và con bạn cũng vậy, thật thích thú biết bao khi sở hữu một chiếc đèn Trung thu do chính tay mình làm.
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu” để phục vụ các em thiếu nhi, nhân dân Thủ đô và du khách tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, đã phục dựng và trưng bày các các mẫu đèn cổ bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống như giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán. Nổi bật nhất là đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống... Ngoài ra, du khách cũng sẽ thích thú khi thưởng thức nghệ thuật múa sư tử...
Thiết nghĩ, mô hình này nên được nhân rộng không chỉ riêng với hoạt động của Tết Trung thu mà còn đối với lễ hội truyền thống của các địa phương. Đặc biệt, hiện nay, các địa phương đang trong tiến trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thì việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết.
Bài, ảnh: Cúc Phương