Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống luôn tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, cần tăng cường công tác phòng cháy và hướng dẫn kỹ năng xử lý sự cố cho người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây.
Công an thị trấn Yên Lạc hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy mini. Ảnh: Trường Khanh
Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống, trong đó, một số ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như nghề sản xuất mộc ở các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên; nghề chế biến bông vải sợi, chăn ga, gối đệm, tái chế nhựa ở huyện Yên Lạc...
Các hộ sản xuất chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong các khu dân cư, do vậy, nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập ở các làng nghề.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ cháy, nổ ở các làng nghề sản xuất bông vải sợi, chăn ga gối đệm và nghề tái chế nhựa ở xã Yên Đồng; sản xuất mộc ở thị trấn Yên Lạc.
Vừa qua, tại thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) xảy ra vụ cháy lớn tại xưởng mộc mỹ nghệ Hải Hà. Tuy các vụ cháy không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại lớn về tài sản…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân các vụ cháy đều liên quan đến điện như quá tải, chập điện, sự bất cẩn, chủ quan khi sử dụng điện của người dân dẫn đến cháy, nổ. Nhất là đối các hộ sản xuất tái chế nhựa và sản xuất bông, vải sợi, chăn ga gối đệm hay sản xuất mộc đều là các chất liệu dễ bắt lửa gây cháy lớn, lan nhanh.
Hiện nay, phần lớn các làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất tập trung ở các khu dân cư. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Hệ thống ao, hồ, trụ nước chữa cháy xây dựng xa các khu làng nghề, gây nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vẫn có tâm lý chủ quan, thờ ơ với công tác phòng, chống cháy nổ; kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Từ những yếu tố đó, gây khó khăn trong công tác PCCC&CNCH.
Thiếu tá Phan Anh Văn, Đội trưởng Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực số 3, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: Việc trang bị những kiến thức về PCCC và kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn là vô cùng cần thiết.
Ở các làng nghề hiện nay, nguy cơ cháy nổ rất cao. Qua khảo sát thực tế, người dân vẫn còn khá chủ quan, nhiều người chưa nắm được các kiến thức, kỹ năng xử lý thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ.
Để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân, nhất là ở các hộ sản xuất, kinh doanh khu vực làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân khi xảy ra cháy nổ mà bị mắc kẹt trong kho, xưởng hay nhà ở thì cần bình tĩnh, xác định rõ vị trí và tìm cách thoát hiểm an toàn nhất.
Trong quá trình di chuyển ra ngoài cần cúi người sát mặt đất và khi đi qua cửa có đám cháy phải sử dụng chăn, quần áo, khẩu trang nhúng nước để thoát ra ngoài…
Thị trấn Yên Lạc có nghề mộc với hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trấn xảy ra 1 vụ cháy lán, xưởng gỗ gây thiệt hại lớn về tài sản cho các hộ dân.
Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn PCCC, chính quyền địa phương, lực lượng Công an thị trấn Yên Lạc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hộ sản xuất, kinh hoanh nghề mộc cần trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định, đảm bảo công tác chữa cháy tại chỗ và cứu người bị nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Thường xuyên vệ sinh các thiết bị máy móc sau mỗi ngày làm việc và chú ý thay thế các thiết bị trong dây chuyền không đảm bảo yêu cầu sử dụng…
Thanh Tuyền