Vĩnh Phúc là địa phương có bề dày lịch sử và kho tàng di sản văn hóa phong phú với nhiều di tích, phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, là lợi thế quan trọng để tỉnh khai thác, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa.
Bánh chưng gù - món ăn đặc trưng của người dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa được các cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng và gần 600 di sản văn hóa phi vật thể là các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội...
Các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh đã được quan tâm trùng tu. Di sản văn hóa phi vật thể ngày càng có sức sống mạnh mẽ nhờ được bảo tồn, khai thác một cách sáng tạo.
Trong đó, có nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu đã được quan tâm phục dựng như lễ hội đình Phú Cả, xã Liên Hoà (Lập Thạch); lễ hội đền Thính, xã Tam Hồng (Yên Lạc); lễ hội Đúc Bụt, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương); lễ hội Rước cây bông, xã Đồng Thịnh (Sông Lô); lễ hội Chạy cày, xã Hoàng Đan (Tam Dương); lễ hội đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường)...
Bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Phúc còn có 28 làng nghề truyền thống, 33 món ẩm thực đặc sắc. Đây là những nguồn tài nguyên văn hóa quý giá, giúp tạo điểm nhấn cho du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để khai thác những tiềm năng, lợi thế, tỉnh luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch, tạo cơ sở, tiền đề cho du lịch nói chung và ngành Du lịch văn hóa nói riêng phát triển.
Trong 2 năm (2020 - 2021), tỉnh đã tu bổ, tôn tạo, sửa chữa đồ thờ tại 39 di tích. Các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân; tăng cường truyền dạy, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể; lập hồ sơ và đề nghị ghi danh di sản văn hóa phi vật thể.
Đến nay, tỉnh có 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch.
Đến nay, tỉnh có tổng số 15 dự án lớn của các nhà đầu tư và một số công trình đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực du lịch được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký trên 2.600 tỷ đồng.
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, ngành công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực du lịch văn hóa của tỉnh nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện, tỉnh đã có một số khu du lịch tầm cỡ và các quần thể du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách.
Đáng nói, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch, trong đó, có các sản phẩm mũi nhọn như du lịch Golf; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo; du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch cộng đồng (homestay); du lịch thể thao...
Một số tour, tuyến du lịch mới như tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo; tour du lịch con đường tâm linh; tuyến du lịch Thanh Lanh Ngọc Bội - thác Bản Long; tuyến Vân Trục - Bò Lạc - Sáng Sơn, khu sinh thái vườn cò Hải Lựu… đã đưa vào khai thác, được đông đảo du khách lựa chọn.
Hội vật làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 5 năm qua, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc có sự tăng trưởng tốt. Nếu như năm 2018, tỉnh thu hút được 5,2 triệu lượt khách du lịch thì đến năm 2022 đạt 8,2 triệu lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2022 đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 1.612 tỷ đồng so với năm 2018.
Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đón hơn 6,8 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt gần 3.000 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song, ngành công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực du lịch văn hóa nói riêng của tỉnh vẫn chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của một vùng đất “Sơn kỳ thủy tú”, “Địa linh nhân kiệt”, “Đến với Phật về với Mẫu”.
Các sản phẩm du lịch văn hóa còn nghèo nàn, chưa phản ánh được đặc trưng văn hóa và sự giao thoa văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Việc kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh còn hạn chế. Tỉnh chưa có những làng, bản, cộng đồng phát triển du lịch văn hóa chuyên nghiệp.
Để khơi thông điểm nghẽn, tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ngành công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực du lịch văn hóa nói riêng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hóa các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương. Có cơ chế, chính sách để mời gọi các nhà đầu tư tăng cường phát triển các hoạt động du lịch văn hóa trên địa bàn. Tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ để phục vụ các dự án lớn liên quan đến lĩnh vực du lịch văn hóa.
Bài, ảnh: Thanh Huyền