Cùng với dân tộc Kinh, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chung sống như Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày… Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong tổng thể văn hóa đặc sắc của quê hương Vĩnh Phúc. Nếu được khai thác, phát huy, đây sẽ là một tiềm năng, lợi thế của Vĩnh Phúc trong thu hút du khách, phát triển du lịch.
Nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tái hiện sinh động tại không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức ở quảng trường Khu du lịch thị trấn Tam Đảo. Ảnh: Kim Ly
Mặc dù toàn tỉnh chỉ có gần 5% dân số là đồng bào DTTS, nhưng các dân tộc đều lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình với nhiều dạng thức khác nhau như tiếng nói, trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, các loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ...
Các dạng thức này đã và đang được các cấp, các ngành cùng nhân dân tích cực bảo tồn, phát huy giá trị với nhiều chính sách, giải pháp, hoạt động thiết thực như hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa cho vùng đồng bào DTTS; xây dựng các mô hình làng văn hóa truyền thống; đẩy mạnh truyền dạy văn hóa phi vật thể…
Việc khai thác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch cũng đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện với nhiều chương trình, hoạt động sáng tạo, hiệu quả.
Mới đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại quảng trường Khu du lịch Tam Đảo. Trong hoạt động này, khán giả được thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn như các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc do chính nghệ nhân của các DTTS biểu diễn; tiết mục biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng; dàn dựng, tái hiện trích đoạn một số lễ hội đặc sắc của các DTTS như lễ cấp sắc, lễ làm nhà xe (dân tộc Dao), lễ hội Xuống đồng (dân tộc Cao Lan); các ca khúc về Vĩnh Phúc do các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa tỉnh thể hiện…
Khán giả còn được giao lưu với các nghệ nhân, học các điệu múa, điệu nhảy, làn điệu dân ca của các DTTS. Mặc dù mới chỉ được tổ chức 3 đêm, nhưng chương trình đã thu hút hàng nghìn du khách tới thưởng thức, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc Vĩnh Phúc.
Đồng chí Trần Xuân Hưởng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Các tiết mục đều được trung tâm phối hợp với nghệ nhân của các DTTS dàn dựng, cải biên theo hướng sân khấu hóa, vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa thể hiện được rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.
Đây là hoạt động ý nghĩa, vừa tạo không gian sinh hoạt văn hóa cho các loại hình nghệ thuật của các DTTS, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, vừa góp phần quảng bá hình ảnh Vĩnh Phúc, từ đó thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển”.
Xã Quang Yên, huyện Sông Lô có hơn 400 hộ đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung ở 3 thôn Đồng Dong, Đồng Dạ, Xóm Mới. Trải qua nhiều thế hệ, người Cao Lan nơi đây vẫn trao truyền và lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán như làn điệu Sình ca, lễ hội Xuống đồng, tục ma chay, cưới hỏi, các sản vật đặc trưng như bánh chim gâu, xôi ngũ sắc, có nhiều tiềm năng phát huy lợi thế để phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND xã Quang Yên Dương Trường Giang cho biết: “Xã đã có nhiều hoạt động để khuyến khích việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan gắn với phát triển du lịch như khuyến khích các câu lạc bộ Sình ca, múa dân gian duy trì hoạt động; đầu tư, xây dựng homestay để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; phối hợp với các ngành chức năng phục dựng lễ hội Xuống đồng vào tháng Giêng hằng năm…
Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Kim Ly
Trong đó, lễ hội Xuống đồng luôn là hoạt động thu hút nhiều du khách nhất. Năm 2023, khi được phục dựng, tổ chức lại sau 3 năm tạm hoãn để phòng, chống dịch Covid-19, lễ hội đã đón hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh tới tham dự.
Hiện tại, xã đang tập trung xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Đồng Dong. Theo kế hoạch, xã sẽ được đầu tư xây dựng khu thiết chế văn hóa hơn 1 ha, khôi phục lại các lễ hội, hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ Sình ca, bảo tồn các dụng cụ chiêng, trống.
Đồng thời, được hỗ trợ sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương; các hộ dân có nguyện vọng xây dựng homestay cũng sẽ được hỗ trợ nếu đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục… Đây sẽ là những điều kiện mở ra triển vọng phát triển du lịch tại địa phương”.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS. Qua đó, vừa gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa, vừa tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Vĩnh Phúc tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Thùy Linh