Thời gian qua, UBND huyện Sông Lô đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, tổ chức và các địa phương trong huyện tổ chức triển khai việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp (DN), các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức như góp ý bằng văn bản; góp ý trực tiếp với Bí thư Chi bộ thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố... Qua đó, phát huy quyền làm chủ, phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân.
Người dân thôn Đồng Sinh, xã Tân Lập (Sông Lô) thảo luận, góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Lượng
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh về việc lấy ý kiến sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, UBND huyện Sông Lô đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến các tổ chức, DN và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, như: Đăng tải trên Cổng thông tin – Giao tiếp điện tử huyện; thông qua các hội nghị do UBND huyện, UBND cấp xã, thị trấn tổ chức; thông báo, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, các trang mạng xã hội…
Đến nay, UBND huyện đã tiếp nhận hơn 20 ý kiến tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân, DN và báo cáo tổng hợp của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, 100% ý kiến thống nhất về bố cục các chương, điều, khoản của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Việc sửa đổi phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp; giải quyết được những bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai.
Nhiều ý kiến thể hiện nguyện vọng chính đáng của người dân liên quan đến các vấn đề: Quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất; các quy định về bồi thường (BT), hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện theo quy định hiện hành được UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện chặt chẽ. Mặt khác, việc thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự tham gia và xin ý kiến của các ngành, lĩnh vực có liên quan, đảm bảo tính khả thi của các công trình, dự án.
Một công trình, dự án khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện, như phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, được HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết cho phép thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được ghi vốn trong năm kế hoạch...
Tuy nhiên, sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, việc triển khai thực hiện một số công trình, dự án tại cấp huyện gặp khó khăn, vướng mắc do không phù hợp với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác, gây ảnh hưởng đến tiến độ, tính khả thi của dự án.
Tại Khoản 3, Điều 89, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về nguyên tắc BT về đất khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều ý kiến góp ý đề xuất sửa thành: “Việc BT khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo an sinh xã hội” nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc triển khai công tác BT, GPMB.
Tại Khoản 1, Điều 60, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nêu rõ: "Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt”.
Tuy nhiên, việc lập quy hoạch nêu trên chưa thể hiện phương án xử lý đối với trường hợp quy hoạch các ngành, lĩnh vực chưa kịp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa Điều 74, Dự thảo Luật Đất đai thành: “Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Trường hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan chưa kịp điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.”
Trưởng phòng TN&MT huyện Sông Lô Hoàng Thị Ngọc Hà cho biết: “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung những điểm mới mà Luật Đất đai năm 2013 còn thiếu, như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về BT, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
Mặt khác, dự thảo Luật cũng hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp; quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích…
Dự thảo Luật được hoàn thiện, thông qua và ban hành là hành lang pháp lý quan trọng góp phần cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng trong giai đoạn mới".
Ngọc Lan