Vĩnh Phúc có nhiều món ăn ngon nổi tiếng, được chế biến từ những sản vật nông nghiệp địa phương. Làm thế nào để khai thác giá trị ẩm thực phục vụ phát triển du lịch là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và ngành du lịch nói chung. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của các địa phương.
Bánh trùng mật mía huyện Vĩnh Tường lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam lần thứ V, năm 2021-2022. Ảnh: Trà Hương
Ẩm thực không chỉ đóng vai trò phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà trở thành mục đích của nhiều chuyến hành trình, giúp du khách khám phá, trải nghiệm những khía cạnh văn hóa đặc trưng của các địa phương. Điều này tạo ra cơ hội để các địa phương khai thác, đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch.
Vĩnh Phúc có nhiều món ăn ngon nổi tiếng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt vùng đồng bằng sông Hồng. Hầu hết các món ăn vẫn được người dân địa phương gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.
Mỗi món ăn nổi tiếng gắn liền với một địa danh, ví dụ, nhắc đến Lập Thạch, du khách thường nghĩ đến món đặc sản cá Thính; nhắc đến cháo se, bánh hòn, người ta nhớ về 3 làng Kẻ Cánh ở Hương Canh, huyện Bình Xuyên; hay món bánh trùng mật mía, đậu rùa Tuân Chính từ lâu đã trở thành những món ăn đặc trưng của người dân Vĩnh Tường…
Ngoài ra, còn vô số những món ăn ngon của nhân dân các địa phương, các dân tộc trong tỉnh như tép dầu Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên; mắm tép Đức Bác, huyện Sông Lô; tương Khả Do, Nam Viêm, thành phố Phúc Yên; bò tái kiến đốt và su su xào thịt bò, huyện Tam Đảo; chè kho Tứ Yên, huyện Sông Lô; bánh chưng gù, xôi đen, xôi trứng kiến của dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo; món nộm rau chuối của dân tộc Dao ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô…
Thức uống nổi tiếng có rượu ba kích Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo. Hoa quả có dứa Hướng Đạo, huyện Tam Dương, thanh long ruột đỏ, huyện Lập Thạch…
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã công nhận các món ăn bò tái kiến đốt và su su Tam Đảo xào thịt bò của Vĩnh Phúc lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam; món bánh trùng mật mía Vĩnh Tường và tép dầu Đầm Vạc lọt Top 100 đặc sản quà tặng của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam lần thứ V, năm 2021-2022. Điều này một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa ẩm thực của tỉnh, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống Vĩnh Phúc tới du khách trong nước và quốc tế.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, nhiều món ăn đặc sản của Vĩnh Phúc đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế khám phá, thưởng thức, nhận về những phản hồi tích cực.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở thành phố Hà Nội mới có chuyến du lịch trải nghiệm cùng gia đình tại Khu du lịch Tam Đảo. Vốn là “tín đồ” ăn uống, chị Huyền đã tìm hiểu trước về những món đặc sản ở địa phương và tự lên thực đơn cho mỗi bữa ăn.
Tại khu du lịch, ngoài việc khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ đặc trưng của Tam Đảo, chị Huyền đã có những trải nghiệm thú vị khi cùng gia đình thưởng thức các món ăn ngon nổi tiếng như su su Tam Đảo xào thịt bò, bánh nẳng, xôi đen của dân tộc Sán Dìu…
Trước khi trở lại Hà Nội, chị Huyền tìm đến cơ sở sản xuất trà hoa vàng ở thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo và đưa gia đình ghé thăm trang trại thanh long ruột đỏ ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch để mua các sản phẩm về làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Chị Huyền cho biết: “Được thưởng thức các món ăn ngon, sản vật địa phương khiến cho chuyến du lịch thú vị hơn. Khi thưởng thức các món ăn, tôi cảm nhận được phần nào nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Ngoài ra, tôi có thể mua các sản vật địa phương về làm quà cho bạn bè, người thân”.
Mặc dù những món ăn, sản vật của Vĩnh Phúc đã có “chỗ đứng” nhất định trong lòng du khách, tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Hiện nay, hầu hết các món ăn đều được sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và tiêu thụ sản phẩm ngay tại khu dân cư, chỉ một số ít được phân phối rộng rãi trên thị trường.
Việc khai thác các món ăn phục vụ du lịch còn hạn chế do hệ thống phân phối sản phẩm chưa được đầu tư. Một số nông sản đặc trưng như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, dứa Hướng Đạo, trà hoa vàng Tam Đảo… đã được trồng với diện tích lớn, cho năng suất, chất lượng tốt, song việc quảng bá sản phẩm chưa rộng khắp, chưa xây dựng thành thương hiệu nổi tiếng phục vụ du lịch.
Để đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, mang dấu ấn riêng, thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Phúc cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp căn cơ mang tính lâu dài là xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí cho việc phát triển văn hóa ẩm thực; mở rộng quy mô các vùng trồng cây nông nghiệp mang tính chất đặc sản, chuyển hướng dần sang khai thác phục vụ du lịch.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc đến với du khách trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ triển lãm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các website về du lịch.
Đưa các món ăn, thức uống mang bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc vào các nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách; xây dựng các tour du lịch ẩm thực dành cho du khách…
Qua đó, góp phần phát triển du lịch và quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Vĩnh Phúc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Bạch Nga