Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng sạt lở tại một số địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về người và tài sản, nhất là mùa mưa bão. Để chủ động phòng, chống sạt lở, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị triển khai các giải pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, sạt lở gây ra.
Vĩnh Phúc có địa hình phức tạp, nhiều đồi, núi thấp xen kẽ, tập trung ở các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch... Bởi vậy, vào mùa mưa bão, lượng mưa nhiều, nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Lực lượng vũ trang tỉnh khắc phục sự cố bục cống Cầu Triệu trong cơn bão số 3 (năm 2024) tại xã Triệu Đề (Lập Thạch). Ảnh: Dương Hà
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa đá, giông lốc, ngập úng, sạt lở đất… Tháng 8/2024, do mưa lớn khiến ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Biên, thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu (Sông Lô) bị sạt lở, khiến 2 người bị vùi lấp, trong đó, 1 người tử vong, 1 người bị thương. Thực tế đó cho thấy sạt lở đất nói riêng, thiên tai nói chung luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả để lại rất nặng nề.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở để thông tin kịp thời đến cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các loại hình thảm họa có thể xảy ra trên địa bàn, công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu khi có thảm họa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hằng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập các phương án PCTT&TKCN… nhằm nâng cao khả năng ứng phó với mưa lũ, sạt lở và thảm họa cho chính quyền địa phương và cán bộ, nhân dân.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, lực lượng thường trực các đơn vị, địa phương duy trì chặt chẽ trực chỉ huy, trực ban, trực cứu nạn cứu hộ; thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm dự trữ tại chỗ, sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Các lực lượng chức năng diễn tập phòng, chống thiên tai tại xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường). Ảnh: Dương Hà
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã phối hợp kiểm tra xác định các hồ, đập, tuyến đê xung yếu, khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, dự kiến các kế hoạch giúp nhân dân sơ tán, di dời khỏi vùng nguy hiểm, nhất là chuẩn bị phương án xử lý sự cố đê điều, hồ đập khi có tình huống xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 452 hồ đập nằm rải rác ở các huyện, thành phố, trong đó, có 10 hồ trữ lượng nước trên 1 triệu m3, tập trung ở các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, thành phố Phúc Yên. Nhờ được tỉnh quan tâm, hệ thống hồ đập thường xuyên được tu sửa, bảo trì, nên cơ bản đảm bảo vận hành tốt.
Tam Đảo là huyện có hệ thống suối, luồng tiêu phức tạp, với nhiều đồi núi bao quanh, vào mùa mưa bão, khi mưa lớn, lượng nước đổ về nhanh, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét rất lớn.
Để chủ động phòng, chống sạt lở đất trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án, sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống thiên tai, sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống hồ, đập, nhất là 5 hồ chứa có dung tích lớn: Xạ Hương, Bản Long, Làng Hà, Đồng Mỏ và Vĩnh Thành.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp ứng phó với sạt lở đất. Thường xuyên tiến hành kiểm tra tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, kịp thời cảnh báo, tuyên truyền, tham mưu với cấp trên triển khai các giải pháp khắc phục, nhất là vào mùa mưa bão.
Theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu năm 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là mùa mưa bão sắp đến, UBND huyện Tam Đảo đã ban hành kế hoạch PCTT&TKCN với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính”.
Với sự chủ động của các cấp, ngành và người dân trong công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân trong mùa mưa bão.
Kim Ngân