Những năm cuối thập niên 1990, tôi vốn là phóng viên quốc tế được Thông tấn xã Việt Nam cử về thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc làm phóng viên trong nước nên còn bỡ ngỡ. Thời điểm này, Nhà nước ta dần giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp. Ông N.T.P. làm Giám đốc Công ty xây dựng Vĩnh Phúc là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Sở Xây dựng. Ông P. cũng bỡ ngỡ nên làm ra một việc thật khó tin mà người ta gọi ông là “Giám đốc bị ma ám”. Còn tôi, đã viết bài phóng sự điều tra “Không phải Giám đốc bị ma ám” đăng trên bản tin của Thông tấn xã Việt Nam được nhiều báo Trung ương sử dụng như báo Tin Tức, Quân đội nhân dân, Doanh nghiệp… Thế nhưng, thật hú vía, tôi suýt bị thu Thẻ nhà báo…
Giám đốc N.T.P về tỉnh Quảng Ninh tìm việc cho công ty. Ở thành phố Hạ Long, ông may mắn gặp được Hứa Văn Tiến, chuyên làm môi giới cho các doanh nghiệp kết nối với lãnh đạo các mỏ than. Tiến đã giúp ông P. kết nối với một số lãnh đạo các mỏ than và ký được 5 hợp đồng bóc đất đá bề mặt cho các mỏ than mới, sắp đi vào khai thác. Tổng trị giá các hợp đồng trên 40 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ vào thời điểm đó đối với các doanh nghiệp cấp tỉnh. Ông P. bàn với các lãnh đạo khác của công ty chuẩn bị đủ số tiền “giao dịch” và mua sắm thêm phương tiện, máy móc… để thi công. Quá trình giao dịch kể trên diễn ra như một bộ phim trinh thám!
Chỉ duy nhất hợp đồng đầu tiên là ký kết tại trụ sở Mỏ than Cọc 6, còn những lần sau thì đều qua Hứa Văn Tiến giữ vai trò con thoi, đi lại, chuyển giấy tờ, tiền đặt cọc từ bên A đến bên B và ngược lại. Thường ngày, Hứa Văn Tiến hay nhắc ông P. phải hết sức giữ bí mật vì Quảng Ninh là đất làm ăn của các doanh nghiệp địa phương và nhiều tỉnh khác tìm về. Nếu lộ, sẽ mất hợp đồng và có thể các đối thủ cạnh tranh thuê bọn xã hội đen xử lý.
Quả nhiên, một lần ông P. ngồi chờ Tiến ở vườn hoa thì bị một bọn du côn ập đến đánh đấm tới tấp, may nhờ Tiến đến kịp, gọi công an giải cứu. Tuy vậy, ông P. rất yên tâm về người anh em kết nghĩa. Một lần, do không mang đủ tiền, ông P.thiếu 30 triệu đồng đặt cọc, Tiến rút ví tạm ứng ngay. Ông P. viết giấy ghi nợ, Tiến liền xé đi và nói “đã là anh em còn không tin nhau thì làm ăn sao được".
Ngày ấy, phương tiện thông tin chủ yếu là điện thoại cố định, nhà riêng mà lắp máy thì được coi là “tầng lớp trên”. Bữa kia, ông P. đang ngồi ở nhà Tiến thì có điện thoại gọi đến, Tiến nghe xong vội xin lỗi, dặn ông P. ngồi chờ rồi dắt xe máy đi ngay.
Chờ lâu, ông P. chợt nhìn thấy trên bàn của Tiến có bức thư đã bóc. Góc trên phong bì in sẵn: Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam! Ông P. bèn giở ra xem. Trong thư, ông Kiển gọi Tiến là “chú em”. Ông dặn: 5 hợp đồng của Vĩnh Phúc phải cắt 1, lý do sẽ nói sau…
Ông P. cẩn thận xem đi xem lại bức thư. Ông quan sát thấy thư đã cũ, không đề ngày tháng, phong bì nhầu nát như để trong túi áo, được rút ra cất vào nhiều lần. Đọc hết thư, ông P. mới vỡ lẽ ra nhiều điều về cái “luật” làm ăn ở đây. Ông P. hoàn toàn yên tâm. Mỗi lần rút tiền mang đi giao dịch, ông P. không hề cho kế toán, thủ quỹ công ty biết mục đích, địa chỉ và người giao dịch. Mấy lần được hỏi, ông P. đều không trả lời, chỉ ký tên, đóng dấu và nói Giám đốc chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cơ chế mới, cách làm ăn mới của thời kỳ "mở cửa" là phải như vậy!
Đến hẹn, ông P. đưa cả Ban lãnh đạo công ty về Quảng Ninh để bắt đầu công việc. Tuy nhiên, ông P. tìm mãi không gặp được Tiến. Khi đến nhà Tiến, đến trụ sở của "Ban lãnh đạo Mỏ than Cọc 6"… thì đều không thấy ai. Hóa ra, tất cả đều do Tiến thuê nhà, thuê người đóng giả, kể cả “Ban lãnh đạo Mỏ than Cọc 6”. Ông P. báo công an Quảng Ninh thì được biết: Tiến là một trùm lừa đảo và đã bỏ trốn ra nước ngoài, hiện đang có lệnh truy nã.
Tất cả tình tiết trên đây do tôi gặp được một số đồng chí công an Quảng Ninh vốn là bạn của bạn tôi cung cấp. Các anh cho tôi xem các tài liệu cụ thể, nhiều tài liệu có cả con dấu, chữ ký… Tôi rất phấn khởi và tự nhủ: Dù bài báo chỉ đúng được 70% thì thực tế này cũng đủ khiến doanh nghiệp “mất vía”, còn đâu dám “ho he” gì với tác giả?!
Thế nhưng, khi vụ việc chưa được làm rõ, doanh nghiệp đã kiện tôi. Tôi vội về Quảng Ninh gặp lại các đồng chí công an kia nhưng họ thấy vấn đề phức tạp, vụ án chưa hoàn thành nên không dám giao những tài liệu đã cho tôi xem. Họ xin lỗi và khuyên tôi chờ đợi, chắc chắn sự việc sẽ sớm rõ trắng đen. Rất may, chỉ 2 tháng sau, vụ việc đã rõ, ông P. bị bắt về tội biển thủ tiền của công ty. Với tôi, đây thật là bài học đắt giá!
Giang Tuấn Kiệt