Chiếm hơn 45% tổng dư nợ vốn vay chính sách xã hội, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhờ vốn vay tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Bá Năm, phường Hai Bà Trưng (Phúc Yên) có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Các chương trình tín dụng chính sách được tỉnh đặc biệt quan tâm, xác định là công cụ hữu hiệu thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phát triển KT - XH của tỉnh, trong đó, việc đáp ứng nhu cầu vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn được xác định là giải pháp trọng tâm.
Cùng với nguồn vốn chính sách được Trung ương phân bổ, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH được tỉnh quan tâm, tăng đều qua các năm, hỗ trợ kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng và phủ kín đến 100% thôn/xóm/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Bá Năm là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của phường Hai Bà Trưng (Phúc Yên) được Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Phúc Yên cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm để mở xưởng gia công gỗ.
Khởi đầu từ những đơn hàng nhỏ, với quyết tâm thoát nghèo, trong 2 năm đầu vay vốn, gia đình ông Năm đã thoát nghèo, song vẫn nằm trong diện hộ cận nghèo của địa phương. Năm 2021, ông Năm tiếp tục được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, gia đình ông Năm đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Phúc Yên Đào Anh Văn cho biết: “Gia đình ông Năm là một trong hàng trăm hộ thoát nghèo nhờ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, đây cũng là gói tín dụng chính sách chủ lực trong các chương trình cho vay của NHCSXH. Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm không chỉ giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có công việc và thu nhập ổn định mà còn góp phần thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí thoát nghèo, cải thiện đời sống”.
Theo NHCSXH tỉnh, đến hết tháng 4/2025, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.080 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động ủy thác qua NHCSXH gần 2.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách là 5.070 tỷ đồng với 18 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai; trong đó, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm chiếm 45,8% tổng dư nợ với hơn 37.700 lượt đối tượng chính sách được vay vốn.
Từ năm 2022 đến nay, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm giúp hơn 2.600 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định, trong đó có hơn 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phát huy hiệu quả nguồn vốn, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tuy nhiên, hiện nay, dư nợ vốn vay tạo việc làm vẫn thấp so với nhu cầu thực tế của người lao động, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Theo đánh giá của NHCSXH chi nhánh tỉnh, dư nợ thực tế cho vay giải quyết việc làm chỉ đạt bình quân 61,5 triệu đồng/lao động, trong khi đó, hạn mức vay tối đa của Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 100 triệu đồng; mức dư nợ cho vay xuất khẩu lao động bình quân 73,8 triệu đồng/lao động, trong khi hạn mức vay tối đa theo quy định là 200 triệu đồng, dẫn đến chính sách hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm chưa đạt kết quả cao.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, NHCSXH chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tập trung rà soát, mở rộng đối tượng vay vốn; tích cực lồng ghép các chương trình hỗ trợ khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật với hoạt động cho vay tạo việc làm nhằm phát huy hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn.
Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trung bình mỗi năm bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chiếm 20 - 25% tổng nguồn vốn, đến năm 2030 chiếm tối thiểu 30% tổng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn