Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền để giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, từ đó khơi dậy tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Cán bộ thôn Vũ Di, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) hướng dẫn, tuyên truyền người dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Kim Ly
Vũ Di (Vĩnh Tường) là xã thuần nông, người dân chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đặc biệt chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và loa phát thanh tại các thôn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vừa lao động, sản xuất, vừa theo dõi, tiếp cận được các thông tin cần thiết, hữu ích.
Đồng chí Phan Biên Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Di cho biết: Hiện nay, hệ thống loa truyền thanh của xã có 54 loa và 23 cụm loa được bố trí đều tại 4 thôn dân cư. Hằng ngày, vào 5h30 sáng và 17h, thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tức thời sự trong nước và trên địa bàn tỉnh, huyện cùng nhiều thông tin hữu ích khác như cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo… lại vang vọng khắp các thôn, xóm, góp phần tạo động lực, khích lệ người dân thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Trên cơ sở rà soát, xác định rõ nguyên nhân, hoàn cảnh của từng hộ, UBND xã phối hợp với các thôn dân cư cùng các tổ chức hội, đoàn thể linh hoạt triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp, huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ các hộ vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Nguyễn Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn Vũ Di, xã Vũ Di cho biết: Trên cơ sở nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ, Ban lãnh đạo thôn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giảm nghèo thông qua các hội nghị, cuộc họp thôn dân cư, sinh hoạt chi bộ hoặc phối hợp với các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến trực tiếp từng hộ để tuyên truyền, tư vấn các chính sách vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm phù hợp.
Từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của các hộ, đồng thời huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay ủng hộ, hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp để hộ nghèo phát triển sản xuất; ủng hộ tiền, ngày công, nguyên vật liệu hỗ trợ các hộ xây dựng nhà ở… Nhờ đó, đến năm 2021, toàn thôn không còn hộ nghèo; đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Dương, gia đình bà Nguyễn Thị Sử, thị trấn Hợp Hòa đã đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Kim Ly
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người dân về các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tình hình thực hiện giảm nghèo trên các lĩnh vực; những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, gương điển hình vượt khó phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
Từ năm 2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức hàng chục hội nghị, tập huấn về công tác giảm nghèo; in, cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp, hàng nghìn tài liệu hướng dẫn triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo. Phối hợp với UBND các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo và Tam Dương tổ chức 4 hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo với sự tham gia của hơn 800 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh như Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục về giảm nghèo; thường xuyên phát sóng, đăng tải các tin, bài, ảnh, phóng sự phản ánh tình hình thực hiện giảm nghèo tại các địa phương, ngành, lĩnh vực, lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập 1.240 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 9.900 thành viên. Các tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đến người dân, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện tử, phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Thông qua việc tiếp cận các phương tiện truyền thông hiện đại giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được cập nhật, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Công tác truyền thông về giảm nghèo từng bước được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức đã góp phần đưa các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của người nghèo. Đồng thời tạo chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động của toàn cộng đồng, xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 0,43% vào cuối năm 2024, hoàn thành mục tiêu trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin…
Phương Anh